(HNM) - Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Tình trạng này xuất phát từ những quan niệm cổ hủ, với tâm lý trọng con trai hơn con gái tồn tại, ăn sâu vào tiềm thức không ít gia đình và dòng họ nói riêng, cộng đồng nói chung.
Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng ở không ít địa phương vẫn ở mức báo động. 6 tháng đầu năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn ở mức 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại nhiều hệ lụy, như sẽ tác động đến cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn đến hậu quả thừa nam, thiếu nữ trong xã hội. Thực trạng đó còn kéo theo sự trì hoãn hôn nhân trong nam giới, gia tăng tỷ lệ sống độc thân và tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Và trong tương lai, tỷ lệ mất cân đối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động, khi những ngành, nghề sử dụng nhiều lao động nữ đứng trước nguy cơ khó tuyển người; trong khi đó, lao động nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để tìm việc làm…
Thực tế thời gian vừa qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi phần lớn mới chú trọng về việc cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai - lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn cơ, cốt lõi nhất cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi tư duy người dân. Định hướng cho vấn đề này, Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”; trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.
Mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là việc khó và không thể đạt được trong “ngày một, ngày hai”. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải có những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài được triển khai đồng bộ trong toàn xã hội.
Trước tiên, các cấp, các ngành và mỗi địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ có thể xảy ra của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, cần phê phán mạnh mẽ những hủ tục, biểu hiện trọng nam, khinh nữ; thay đổi quan niệm để phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới.
Bên cạnh tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, bảo đảm các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân không tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm những chủ thể vi phạm. Mặt khác, có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời những cặp vợ chồng chỉ có con gái nhưng có nhiều đóng góp cho xã hội. Nêu cao vai trò của nam giới trong chấp hành chính sách dân số... cũng sẽ tạo tác động thiết thực. Đặc biệt, về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để người có hay không có con trai đều yên tâm khi về già vẫn có điểm tựa về vật chất, tinh thần...
Không có khoản đầu tư nào mang lại giá trị lớn lao như đầu tư cho con người. Thay vì theo đuổi "mục tiêu" sinh con trai bằng mọi giá, mỗi gia đình nên dành các nguồn lực kinh tế, thời gian... cho việc chăm sóc thế hệ tương lai của mình, bất kể đó là con trai hay con gái. Và cũng vì thế, mỗi người hãy bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy của chính mình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.