(HNM) - Cải tiến quy trình sản xuất là yêu cầu đặt ra với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp vì không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Lãnh đạo Samsung Việt Nam khảo sát tại Công ty TNHH MTV Thông tin M1, sau khi đơn vị này áp dụng cải tiến quy trình sản xuất. Ảnh: Đức Thọ |
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Tại Công ty TNHH MTV Thông tin M1 thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Giám đốc Lưu Quang Trường cho biết, sau 3 tháng được các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn quá trình lắp ráp linh kiện điện tử lên bản mạch, quy trình sản xuất đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, năng suất tăng 32%, tỷ lệ lỗi công đoạn giảm 56%.
Đáng chú ý, các chuyên gia tư vấn giúp cải tiến quãng đường di chuyển trong dây chuyền, nên đã giảm tới 80% (từ 250m xuống còn 50m), từ đó giúp tối ưu hóa nhân lực và ổn định chất lượng sản phẩm.
Ông Bùi Nguyễn Nam Sơn, Quản đốc Xí nghiệp viễn thông 2 chia sẻ, nếu như trước đây tỷ lệ tiêu hao thiết bị ở một số công đoạn chiếm tới 72%, thì sau khi áp dụng phương án quản lý mới đã không còn xảy ra tình trạng thiết bị, linh kiện bị cong vênh, hoặc lẫn dị vật, không xảy ra sự cố khác liên quan đến dây chuyền. Sau khi áp dụng quy trình mới, sản phẩm bảo đảm 100% chất lượng và không bị trả lại.
Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt (Vipaco) tại Hưng Yên Nguyễn Viết Thắng cho biết, quá trình tư vấn của chuyên gia tại Vipaco đã giúp tăng 58% năng suất, giảm 57% tỷ lệ lỗi công đoạn và giảm 34% tỷ lệ sai sót.
Lý giải về việc mời chuyên gia Hàn Quốc tư vấn, thực hành với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, công ty luôn tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam để giúp các doanh nghiệp này có đủ năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau mỗi chương trình tư vấn, mức độ cải tiến năng suất của các công ty gia tăng đáng kể, trung bình tăng hơn 30%.
Cần có chính sách hỗ trợ
Các tập đoàn đa quốc gia tham gia hỗ trợ, tư vấn sản xuất, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được coi là một điều kiện quan trọng khi xem xét cấp chứng nhận đầu tư vào Việt Nam. Bởi vì cùng những ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất... mà Chính phủ dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì họ phải cam kết tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, thực hiện hỗ trợ lại các doanh nghiệp sản xuất để hình thành chuỗi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thực tế, để vận hành một tổ hợp sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia này cần và kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh hoạt động. Với Samsung Việt Nam, năm 2014 tỷ lệ nội địa hóa là 35%, thì hiện nay là 58%. Tương ứng, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung từ 4 doanh nghiệp (năm 2014), năm 2018 là 35 doanh nghiệp, dự kiến năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp.
Một tập đoàn toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp điện tử là Canon (Nhật Bản) đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam từ năm 2001. Tính đến đầu năm 2018, Canon có 378 doanh nghiệp cung ứng thiết bị, linh kiện, trong đó số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chỉ chiếm 45%… Và hiện, tỷ lệ nội địa hóa của Canon Việt Nam là 65%.
Một doanh nghiệp tiêu biểu khác là Honda Việt Nam hiện đạt 80% tỷ lệ nội địa hóa với xe máy và 20% tỷ lệ nội địa hóa với ô tô.
Từ các số liệu nêu trên đặt ra một số vấn đề, đó là tỷ lệ các doanh nghiệp "nội" tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu còn thấp vì năng lực, trình độ sản xuất chưa bảo đảm; quy mô còn nhỏ lẻ... Đó cũng là lý do khiến Canon Việt Nam chưa đạt được mục tiêu 70% tỷ lệ nội địa hóa, do chưa tìm thêm được nhà cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn. Song, có một thực tế khi các tập đoàn đa quốc gia sản xuất ở Việt Nam là họ lại ưu tiên chọn các doanh nghiệp vệ tinh từ quốc gia họ sang đầu tư tại Việt Nam, chứ không phải là doanh nghiệp "nội" 100%.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khuyến cáo, cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định cụ thể khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhà nước cần có chính sách giúp tăng cường liên kết giữa nhà cung cấp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để doanh nghiệp tham gia hợp tác, phân công về công nghệ và thị trường.
Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ, nhằm tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao. Và, chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự học hỏi để đáp ứng yêu cầu của các đối tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.