Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên

Vũ Minh| 25/02/2023 17:53

(HNMO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Nội dung này được BHXH Việt Nam nhấn mạnh tại Công văn số 479/BHXH-TST vừa ban hành và thông tin đến các cơ quan báo chí vào chiều 25-2.

BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thanh tra chuyên ngành đột xuất với các đơn vị chậm đóng tiền từ 3 tháng trở lên.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã bám sát các chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH. Nhờ đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH giảm dần, đến cuối năm 2022, tỷ lệ chậm đóng BHXH (có tính lãi) giảm còn 2,91% so với tổng số tiền cần thu, thấp nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH năm 2023 xuống mức thấp nhất.

Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của BHXH Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, cơ quan BHXH cần thông tin, thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động, để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.

Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị. Nếu đơn vị không đóng tiền, các cơ quan chức năng sẽ lập biên bản hành vi vi phạm theo quy định.

Đối với đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Ngoài ra, cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra với các đơn vị chậm đóng, BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế của tỉnh, thành phố về tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, cơ quan BHXH chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, đôn đốc đơn vị đóng BHXH kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.

Về phần mình, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân, số tiền chậm đóng theo định kỳ hằng tháng, hằng quý; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành chức năng nâng cao hiệu quả thanh tra về BHXH...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.