Lương - Bảo hiểm

Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội: Bao giờ mới chấm dứt?

Vũ Minh 11/06/2024 - 10:53

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, lý do vì sao, việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động cũng tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phía, trực tiếp nhất là người lao động.

Hơn nữa, hành vi chậm đóng BHXH bị nghiêm cấm tại Luật BHXH hiện hành, nhưng vẫn chưa được khắc phục, xử lý triệt để. Thế nên, nhiều người lao động bày tỏ băn khoăn, không biết đến bao giờ, tình trạng chậm đóng BHXH mới chấm dứt?

Chưa được khắc phục triệt để

Nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm tối đa tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, số tiền đóng vào các quỹ BHXH tăng dần.

Riêng 5 tháng đầu năm 2024, tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 15% so với thời điểm cuối tháng 5-2023.

Mặc dù đạt nhiều hiệu quả tích cực trong công tác thu, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trên địa bàn thành phố vẫn chưa được khắc phục triệt để. Dẫn chứng là, danh sách đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành trách nhiệm đóng BHXH được công bố thường xuyên lên tới hàng vạn đơn vị, với số tiền lũy kế từ gần 5.000 đến gần 6.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng phải tính lãi tại thời điểm cuối tháng 5 vừa qua là hơn 1.800 tỷ đồng, bằng 2,58% so với tổng số tiền cần thu.

So với cùng thời điểm cuối tháng 5 các năm trước đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH năm 2024 tuy thấp hơn, nhưng vẫn tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người, nhiều phía, trực tiếp nhất là người lao động. Thực tế ghi nhận không ít trường hợp người lao động đang làm việc hoặc từng làm việc tại những đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH bị “treo” sổ BHXH, tạm “khóa” thẻ bảo hiểm y tế, khiến họ bị mất đi nhiều quyền lợi.

Trước mắt, nếu không may bị ốm đau, bệnh tật, gặp tai nạn rủi ro, họ không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, không được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh để được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; khi sinh con, cả lao động nam và nữ không được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, người lao động còn bị ảnh hưởng tới các quyền lợi về lâu dài; bị phát sinh thêm thủ tục, vấn đề cần giải quyết khi chuyển đến nơi làm việc mới hoặc đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí…

bhxh.jpg
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội công bố quyết định thanh tra liên ngành đối với những đơn vị chậm đóng BHXH.

Góp phần khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp “mạnh tay”. Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm phát huy hiệu quả tích cực.

Theo BHXH thành phố Hà Nội, riêng 5 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng thực hiện tổng số 976 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó thu về quỹ hơn 85,7 tỷ đồng do chậm đóng BHXH.

Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng BHXH theo thẩm quyền đối với 10 đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách BHXH không được vinh danh, khen thưởng, xét tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án mới của thành phố.

Tuy vậy, từ những dẫn chứng nêu trên có thể nhận thấy, các giải pháp hiện hành chưa đủ “sức mạnh” để có thể khắc phục, xử lý triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Thế nên, nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, không biết đến bao giờ, tình trạng chậm đóng BHXH mới chấm dứt?

Cần bổ sung chế tài xử lý

Với quan điểm nhất quán, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH là đối tượng trung tâm để phục vụ và mục đích hướng tới, ngoài những giải pháp đã thực thi, BHXH thành phố Hà Nội nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm đưa ra giải pháp vĩ mô, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý.

nh-2-ba-i-ch-m-a-ng-b-o-hi-m.jpg
Công bố thông tin doanh nghiệp chậm đóng BHXH qua hệ thống dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm là cần thiết.

Cùng quan điểm cần có hành lang pháp lý để xử lý hiệu quả hành vi vi phạm về BHXH, trong đó có hành vi chậm đóng, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ban soạn thảo dự thảo luật này đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm: Cần tăng chế tài mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định đối với cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm… Điều này giúp người lao động có đầy đủ thông tin trước khi họ quyết định gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) đề xuất bổ sung quy định: “Không được đấu thầu, thi công mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; không được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề cho người lao động” đối với đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, luật mới cần quy định rõ, hiện nay, ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì đối tượng chậm đóng, trốn đóng cần nộp thêm số tiền bằng 0,03% theo ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng. Tuy nhiên, mức quy định này còn thấp, chưa đủ tính răn đe, nên cần quy định, ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng, phải tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định để tránh tình trạng đơn vị, doanh nghiệp cố tình chiếm dụng Quỹ BHXH.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ hành vi “chậm đóng” và “trốn đóng”, giúp các cơ quan phân định rõ hai hành vi này, từ đó có phương án xử lý, khắc phục hiệu quả hơn…

Vẫn biết việc khắc phục triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH là không dễ, càng không thể thực hiện ngày một ngày hai, mà cần có thời gian và hành lang pháp lý đủ mạnh, tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, quyền lợi chính đáng của người lao động luôn cần được ưu tiên.

Hy vọng, dự thảo Luật BHXH với nhiều quy định mới được thông qua, giúp các bên có căn cứ pháp lý, tìm ra phương án hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, sớm giải quyết triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội: Bao giờ mới chấm dứt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.