Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hóa công vụ thực chất

Nguyễn Lê| 10/02/2020 06:55

(HNM) - Với chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan công quyền. Để thực hiện điều này, thành phố sẽ siết chặt kỷ cương trong thực thi công vụ, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng văn hóa công vụ để phục vụ người dân tốt hơn. Trong ảnh: Cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận Bình Tân hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Thực hiện “4 xin - 4 luôn”

Anh Trần Thành Công (ngụ phường Tân Định, quận 1) cho biết, do làm kinh doanh nên anh thường xuyên tiếp xúc cơ quan công quyền để thực hiện các thủ tục hành chính. “Bây giờ, mỗi khi đến các cơ quan nhà nước, tôi không còn cảm giác căng thẳng như trước. Cán bộ, công chức hiện nay rất thân thiện, từ chỗ xa cách đã trở nên gần gũi hơn”, anh Công chia sẻ.

Chị Hồ Thị Lệ Thanh, Phó Trưởng bộ phận tiếp nhận hồ sơ, UBND quận 1 cho biết, cán bộ ở đây được quán triệt phải luôn thực hiện phương châm “4 xin - 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, sự hài lòng của người dân là thước đo trách nhiệm công vụ của người cán bộ”, chị Hồ Thị Lệ Thanh chia sẻ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức thành phố. Theo đó, cán bộ, công chức không mặc quần jean, áo thun khi đi làm; trong thời gian làm việc không dùng thiết bị giải trí, không nói tục… Thêm nữa, có những quy định rất chi tiết như khi giao tiếp với người dân qua điện thoại, cán bộ phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan công tác; đặc biệt, trao đổi phải ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, không gắt gỏng, không nói trống, không ngắt điện thoại đột ngột.

Tại UBND quận 12, xây dựng văn hóa công vụ không chỉ từ thái độ của cán bộ, công chức mà còn từ không gian, tiện ích tại cơ quan công quyền. Cụ thể, UBND quận đã xây dựng văn phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Ban Tiếp công dân theo hướng hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, có hệ thống cây xanh xung quanh, có đầy đủ các thiết chế phục vụ người dân như: Nhà vệ sinh, nước uống, khu vực chờ, khu vực hướng dẫn, khu vực niêm yết, tra cứu thông tin…

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, phương châm phục vụ người dân của quận là khi người dân đến cơ quan công quyền trước tiên phải cảm thấy thoải mái, sau đó cảm nhận sự thân thiện, gần gũi, cởi mở, lễ phép của cán bộ phục vụ. Khi người dân và cán bộ phục vụ không còn khoảng cách thì mọi việc sẽ diễn ra dễ dàng, trơn tru.

Phục vụ với tinh thần tự giác

Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân đạt tỷ lệ khá cao (trên 90%) ở các sở như: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo… Để có được kết quả trên, các sở này đã khơi dậy được tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới hình thức tổ chức, phương thức phục vụ người dân.

Đơn cử, tại Sở Giáo dục và Đào tạo, người dân đánh giá cao, hài lòng nhiều nhất ở chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và kết quả chăm sóc, giáo dục tại các nhà trường. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, qua đó phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của từng cán bộ, giáo viên.

Tuy nhiên, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức vẫn sẽ là chủ đề mà cả hệ thống chính quyền cần tiếp tục tạo chuyển biến trong thời gian tới. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra của các cấp chính quyền thành phố trong xây dựng văn hóa công vụ.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng văn hóa công vụ là vấn đề rất cấp bách nhưng cũng vô vàn khó khăn. “Chìa khóa” để xây dựng văn hóa công vụ chính là cái “tâm”, tinh thần tự giác của từng cán bộ, công chức. Cả hệ thống chính quyền cần khơi dậy tinh thần này. Bên cạnh đó, phải bảo đảm điều kiện sống của cán bộ, công chức. Khi điều kiện sống được bảo đảm, người cán bộ sẽ toàn tâm cống hiến cho công việc.

Nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, tạo lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện quán triệt tinh thần văn hóa công vụ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Trong năm 2020, thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ. Thành phố cũng sẽ lấy tiêu chí về sự hài lòng của người dân trong văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cho biết, trong các nguyên nhân mà người dân chưa hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính có thái độ phục vụ của cán bộ, công chức chưa tốt. Do đó, cán bộ, công chức cần giải thích, hướng dẫn cặn kẽ với tinh thần phục vụ người dân. Qua đó, đồng chí đề nghị mỗi cán bộ, công chức cần suy nghĩ về trách nhiệm của mình để phục vụ người dân tốt hơn, bằng chính cái tâm của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hóa công vụ thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.