Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng Năm quê Bác

Văn Hiền| 17/05/2020 14:53

(HNNN) - Cứ vào dịp tháng Năm, kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) lại rộn ràng, náo nức những khúc hát cháy bỏng yêu thương, nỗi nhớ vô bờ, thiết tha tưởng nhớ, tri ân Người - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

 Quần thể khu di tích Kim Liên ở làng Sen. Ảnh: Hà Thành

Bóng Người tỏa khắp muôn nơi

Những năm gần đây, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen trở thành lễ hội toàn quốc. Dường như bước chân hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc kể từ khi Người về nước tới đâu nơi ấy bừng sáng giai điệu trữ tình dân ca, dân vũ, khắc họa gương mặt đổi mới đất nước, quê hương. Ta bắt gặp hình ảnh sắc màu áo chàm, âm vang làn điệu then, cây đàn tính réo rắt hòa cùng tiếng khèn của người Tày, người Mông, người Dao đỏ, Dao tiền, Sán Dìu... ở Tây Bắc, Việt Bắc. Ca khúc Người Mèo ơn Đảng, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Nhà mế có ảnh Bác Hồ, Tây Nguyên nhớ Bác Hồ, Lời ca dâng Bác, Chúng con canh giấc ngủ cho Người... sao mà da diết, nhớ thương vị Cha già đã mang lại “cơm no, áo ấm”, bầu trời độc lập tự do cho hết thảy đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, miền Nam là nỗi nhớ khôn nguôi trong trái tim Người. Trong chuyến thăm Quảng Bình năm 1957, Bác nói với ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, tại bãi biển Nhật Lệ: “Mình đã đi tới nơi, nhưng chưa về đến chốn”. “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”, đó là lời một ca khúc mỗi khi cất lên lại làm xao động trái tim muôn người.

Bấy nhiêu ca khúc là bấy nhiêu ân tình, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc nhất vẫn là giai điệu và ca từ tác phẩm Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ A Mư Nhân người dân tộc Chăm Ninh Thuận: “Từ làng Chăm xa xôi, nay con về thăm quê Bác. Nghe trong lòng bao thương nhớ. Ôi tình Bác mênh mông... Hòa bài ca chiến thắng, Nam Bắc yêu thương... thiết tha. Độc lập tự do, dựng xây quê hương, vang khắp thế giới. Trong trái tim của nhân loại, Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam... Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm...”. Ca khúc này như trải rộng, lắng sâu tình cảm không chỉ của tác giả mà cả nỗi biết ơn Bác đã dành tình cảm cho cộng đồng dân tộc Chăm từ những năm đồng khởi, giải phóng chi khu Bắc Ái, Ninh Thuận khỏi ách kìm kẹp, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy. Bầu trời tự do, bầu trời giải phóng làm sống lại lễ hội Katê tưng bừng, náo nhiệt bên tháp Chàm linh thiêng, vang dậy tiếng trống paranưng, trống gineng, kèn sarai, đàn kanha, đàn rabáp khắp miền duyên hải hồi sinh.

Nặng tình quê hương

Về thăm quê Bác. Ảnh: Thành Cường

Đến Kim Liên những ngày tháng Năm, cảm giác đất trời quê Bác như bừng tươi hương sen. Giống sen hồng từ Đồng Tháp, nơi lưu dấu chân cuối cùng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ. Sen trắng hồ Tịnh Tâm, cố đô Huế, nơi thấm đậm tuổi thơ Bác theo cha mẹ vào học trường Quốc học Huế. Sen xanh pha hồng của hồ Tây, Hà Nội nơi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Bàn thờ anh linh Bác khắp mọi miền Tổ quốc đỏ tươi búp sen, ngan ngát gió đồng làng Hoàng Trù, làng Kim Liên mỗi ngày dòng người nối nhau thăm viếng, tưởng vọng. Người dân Kim Liên mến mộ khách, không chỉ những bó hoa sen trao gửi mỗi ngày mà họ còn khéo tay sao chế cánh sen, nhụy sen, lá sen thành trà giải nhiệt, thơm thảo, thanh khiết tình người quê Bác trong gói quà kỷ niệm khó quên.

Đến quê Bác vào mùa nắng nóng, bất chợt không gian lắng lại thanh tĩnh man mác khi bắt gặp muôn vòm cây tỏa bóng trong khu di tích, trong mỗi con đường từng in dấu chân tuổi thơ Bác và hai lần Người về thăm quê, năm 1957, năm 1961. Cây của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh; cây của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp; cây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... đều vươn cao, dáng thẳng, như mang đậm cốt cách, khí tiết, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ta còn bắt gặp cây dừa Bến Tre, quê hương Đồng Khởi, quê hương đội quân tóc dài khăn rằn vắt vai, biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được Bác trìu mến tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”... Có phải vì “Bác như cây cả bóng cao/ Gió chim đến tự phương nào cũng che” mà loài cây nào, loài hoa nào từ khắp các vùng miền tới Kim Liên vẫn bén rễ, đơm chồi, nảy lộc, vươn cao, bốn mùa cho hoa trái?

Thuở học phổ thông, chúng tôi tới Kim Liên, Hoàng Trù - quê nội, quê ngoại Bác để “lao động xã hội chủ nghĩa”, giúp dân gặt lúa, trồng mía, trồng lạc. Những năm ấy còn nghèo lắm. Người dân còn tá túc trong những căn nhà mái tranh vách nứa, nền đất, ăn khoai độn cơm, thức ăn chỉ lơ thơ ngọn khoai, ngọn đậu chấm tương. Trong 28 bức thư, điện gửi Đảng bộ, nhân dân Nghệ An, Bác dành 7 lá thư, điện gửi cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Kim Liên. Thư nào Bác cũng day dứt vì thấy tỉnh nhà và quê hương Nam Đàn, đặc biệt là Kim Liên chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói, chưa bứt phá lên được. Trong bức thư gửi ông Hoàng Phan Kính (là cậu), Trần Lê Hữu (là dượng của Bác) ở xã Nam Liên, huyện Nam Đàn tháng 4-1949, Người viết: “... Tôi rất mong cậu và dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sĩ thường giúp đỡ tôi và Chính phủ bằng cách gửi những phê bình, sáng kiến và đề nghị. Tôi lại mong cậu, dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu, trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc...”.

Thư gửi phụ lão xã Nam Liên ngày 19-12-1958, Bác viết: “... Đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã một cách khẩn trương và chắc chắn, làm nhiều tiểu thủy nông, dùng nhiều phân bón, cải tiến kỹ thuật, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để nâng cao mức sống hơn nữa...”. Ngày 13-2-1962, Bác lại căn dặn trong bức thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên “... Tư tưởng bảo thủ là những sợi dây cột chân, cột tay người ta, phải vứt nó đi. Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Trong việc này cũng như mọi việc khác, cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong đi trước thì đồng bào sẽ tiến theo. Hợp tác xã càng phát triển thì công việc càng thêm nhiều. Muốn lãnh đạo tốt thì phải làm đúng, lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách. Ban quản trị thật dân chủ và thật công bằng, tài chính phải công khai, mọi việc đi đúng đường lối quần chúng. Làm như vậy thì mọi khó khăn đều giải quyết được. Bác mong đồng bào và cán bộ cố gắng xây dựng Nam Liên ta thành một xã kiểu mẫu, và thân ái chúc mọi người tiến bộ và bình yên”.

Hơn nửa thế kỷ đầy biến động trôi qua với những thử thách, thời cơ, thành tựu cách mạng khác nhau nhưng giá trị lịch sử, thời đại về bấy nhiêu lời căn dặn, định hướng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Bác với quê hương, nhất là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn vẫn tươi nguyên giá trị. Quê Bác - Kim Liên và cả huyện Nam Đàn đã trở thành địa phương kiểu mẫu như mong muốn của Người. Năm 2019, Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới trước tiên của tỉnh Nghệ An. Nam Đàn đi đầu cả nước trong việc xóa nhà tranh tre, nứa lá. Hai lần Bác về thăm, xã Kim Liên còn nghèo đói, năng suất lúa chỉ đạt 100kg/sào, chăn nuôi tự cung tự cấp, chỉ có một trường tiểu học, chưa có nơi chữa bệnh khang trang. Xã Kim Liên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung nay đã bừng sáng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế, mức sống người dân được nâng cao, không còn hộ nghèo, đói, thất học. Kim Liên được hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thảm nhựa hàng trăm kilômét đường liên hương, liên thôn, bê tông hóa hệ thống tưới tiêu nội vùng để chủ động nguồn nước thâm canh lúa cao sản, cây lạc, cây đậu tương, cây rau sạch cao cấp... Kim Liên, Nam Đàn ổn định an ninh lương thực, còn dư thừa xuất khẩu sản phẩm lạc và đậu tương.

Sau hơn ba thập kỷ Đổi mới, người và đất Kim Liên nói riêng, huyện Nam Đàn nói chung đã có vị thế mới với biết bao dấu ấn khó phai mờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Năm quê Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.