(HNM) -
Nguyễn Xuân Thủy từng là lính Trường Sa, nếu như "Biển xanh màu lá" - tiểu thuyết đầu tiên đầy chất lính với văn phong còn mang dáng dấp trẻ trung, hồn nhiên thì đến "Nhắm mắt nhìn trời" đã thăm thẳm những suy tư, tự vấn trước ngổn ngang đời sống.
Kể từ khi Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ "mình đang viết về những biến động của đời sống ở một vùng ven đô…", đến nay, khi cuốn tiểu thuyết ra đời, cũng đã hơn 3 năm. Phải nói rằng, ấn tượng đầu tiên ở tác phẩm này là một hiện thực ngổn ngang, sống động bày ra trước mắt người đọc. Không chỉ là chuyện "nóng" về đất đai, nhà cửa; chuyện làng lên phố; những mánh lới mưu sinh của nhiều phận người mà hơn hết là chuyện về sự tha hóa nhân cách, từ anh trí thức (có học để mà thấy đau đời) cho đến cô "cave" (muốn hoàn lương mà không được)… Điều đó cũng cho thấy sự dấn thân nghiêm túc của nhà văn, không chỉ trong chuyện "lặn ngụp" để chạm vào những xù xì, góc khuất của đời sống mà là trong cả những vật vã, đối thoại, những tìm kiếm lý giải trước hiện thực bề bộn ấy.
Xuân Thủy kể, quãng năm 2011, anh về sống ở một vùng ven đô Hà Nội và bắt đầu quan sát, chiêm nghiệm những đổi thay nơi đây. Những chuyện "bếp núc" nghề văn của Thủy như chuyện "nhặt nhạnh" những câu chữ, lời thoại, tìm kiếm bóng dáng nhân vật từ một quán nước, ngoài công trường hay bất kỳ đâu trên những con đường của vùng đất đang chuyển động ấy… cho thấy thái độ nhập cuộc tích cực của nhà văn. Tuy nhiên, may thay, đúng như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Hòa, chất báo chí vốn là âm hưởng chủ đạo trong tác phẩm "Sát thủ online" trước đây, nay đã hài hòa hơn ở "Nhắm mắt nhìn trời". Nghĩa là, chất văn đã đậm đà hơn, đưa đẩy hơn để người đọc có thể vừa quan sát hiện thực vừa vượt thoát hiện thực, bay bổng cùng những suy tư, ngẫm ngợi ở tầng tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm.
Một điểm thu hút nữa của tác phẩm này nằm ở lối xây dựng nhân vật. Một loạt, từ những tay thầu xây dựng, gã bán phân, cô cave… đều hiện lên có tính cách, vóc dáng, thân phận, đặc điểm rõ ràng, sinh động. Thậm chí hai anh trí thức - nhà báo Thành và Nguyễn cũng là hai bản thể riêng biệt, không lẫn được.
Buổi ra mắt sách ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều ý kiến tranh luận về một nhân vật phụ, nhưng lại "gây sóng gió" hơn nhân vật chính là Nhợn (vốn làm nghề bán phân người, mà trong sách gọi bằng một từ bỗ bã nhất). Các ý kiến mở rộng ra thành chuyện nên viết về những điều dễ gợi sự "thô tục" của đời sống thế nào, liều lượng ra sao để vừa đủ lột tả nhân vật, phục vụ cho ý đồ tác phẩm? Đây cũng là một sáng tạo của nhà văn và sự tranh luận đặt ra phần nào cũng tạo ra một sức hút nhất định cho tác phẩm…
Nguyễn - nhân vật được xem như thấp thoáng bóng dáng của cái tôi tác giả được cho là "mờ nhạt" hơn một loạt nhân vật phụ. Có lẽ cũng là một dụng ý của tác giả chăng, khi nỗi bất lực trước sự tha hóa của con người, sự vật vã tìm kiếm trả lời cho câu hỏi "mình thuộc về nơi nào" cứ luôn dập dờn trong mỗi bước đi, hành xử, suy nghĩ của nhân vật này…
Nguyễn Xuân Thủy mạnh về chi tiết, cảm giác như anh đã rất dụng công trong việc lôi nó ra từ đời sống, sáng tạo, chuốt cho nó sắc hơn… Nhiều đoạn mang lại sự tâm đắc, thú vị, sự hài hước và thậm chí là rơi nước mắt nhưng giá như câu văn trong "Nhắm mắt nhìn trời" có thể gọn hơn ở đôi chỗ, thậm chí bớt "thật thà" diễn giải, để một khoảng trống cho độc giả tự suy, tự nghĩ…
Cuối cùng, với cuốn tiểu thuyết mới nhất này, anh lính Trường Sa Nguyễn Xuân Thủy ngày nào đã rời biển về đất liền với một tinh thần dấn thân đầy nghiêm túc, thể hiện một sự trưởng thành rõ nét, cống hiến cho bạn đọc những trang viết đáng giật mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.