Các quốc gia châu Á đang cảnh giác trước tình trạng nắng nóng và mưa khắc nghiệt hơn.
Thế giới ghi nhận năm 2023 nóng kỷ lục, trong khi châu Á phải đối mặt với các đợt nắng nóng và độ ẩm bất thường. Giáo sư Khoa học khí hậu tại Đại học quốc gia Australia (ANU) Sarah Perkins-Kirkpatrick nhận định, châu lục này sẽ tiếp tục chứng kiến những đợt nắng nóng dữ dội trong năm 2024.
Tháng 4 thường là thời điểm nóng và khô nhất trong năm tại nhiều quốc gia khu vực Nam và Đông Nam Á, nhưng mức độ năm nay được đánh giá cực kỳ khắc nghiệt.
Nhiệt độ thường xuyên lên tới 40 độ C ở nhiều thành phố trên toàn khu vực. Chính phủ Bangladesh gần đây đã ra lệnh đóng cửa các trường học và công bố cảnh báo sóng nhiệt trên toàn quốc.
Trong khi đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan hứng chịu tình trạng khô hạn bất thường do hầu như không có mưa ở tháng 4, mặc dù lượng mưa trung bình trong tháng là 93mm, theo dữ liệu từ Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA).
Tại Trung Quốc, những ngày mưa lớn gần đây đã tàn phá tỉnh Quảng Đông, với lượng mưa tích lũy ở nhiều khu vực vượt kỷ lục lịch sử trong tháng 4, khiến nhiều người thiệt mạng và buộc hơn 110.000 người phải sơ tán.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, châu Á cần khẩn trương tăng cường nỗ lực hạn chế các nguy cơ thiên tai tiềm ẩn, như đầu tư vào mô hình quản trị rủi ro và hệ thống cảnh báo sớm.
Báo cáo tình trạng khí hậu châu Á 2023 của WMO chỉ ra rằng, châu Á trong năm 2023 đã ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới.
“Nhiều quốc gia trong khu vực trải qua năm 2023 nóng kỷ lục. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan”, Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo đánh giá.
Cũng theo WMO, các hiện tượng thời tiết cực đoan năm 2023 một phần được thúc đẩy bởi El Nino đang có dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, El Nino thường gây tác động nghiêm trọng nhất ở năm kế tiếp, tức năm 2024, với dự kiến sẽ khiến nhiệt độ vượt mức trung bình và ảnh hưởng đến lượng mưa những tháng tới.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, biến đổi khí hậu đang tạo ra “những mối nguy hiểm đáng kể về sức khỏe”, như ung thư, bệnh hô hấp, rối loạn chức năng thận và tâm thần. Báo cáo ngày 6-5 của ILO ghi nhận, hàng nghìn ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao, ung thư da do bức xạ tia cực tím, ô nhiễm không khí và các bệnh do ký sinh trùng.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết cực đoan, một số quốc gia đang tăng cường biện pháp ứng phó trong những tháng tới.
Nhật Bản đã bắt đầu vận hành hệ thống cảnh báo say nắng sau khi nhiều tỉnh dự kiến hứng chịu nhiệt độ đặc biệt cao, gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe người dân.
Singapore, quốc gia phụ thuộc nhiều vào công nhân xây dựng nhập cư, yêu cầu người sử dụng lao động theo dõi nhiệt độ bầu ướt - biện pháp đo nhiệt được quốc tế công nhận và cho phép người lao động nghỉ tối thiểu 10 phút/giờ khi chỉ số đạt 32 độ C hoặc cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.