Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến thực chất

Thế Đan| 17/05/2022 06:06

(HNM) - Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và thông tin này cũng nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận xã hội những ngày gần đây.

Từ thực tế những năm qua cho thấy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một cuộc chiến cam go, phức tạp và rất khó khăn nhưng có thể làm được nếu có quyết tâm, dũng cảm và sự chung sức đồng lòng vì một bộ máy liêm chính. Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 4, cả nước đã khởi tố mới 125 vụ án/259 bị can về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ, khẳng định quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để công cuộc này phát huy hiệu quả hơn nữa phải làm quyết liệt ở các cấp, ngành, địa phương.

Chỉ 3 ngày sau khi Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) kết thúc, ngày 13-5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 15 thành viên; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Thành ủy là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Đây là tỉnh, thành phố đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cho thấy tinh thần gương mẫu đi đầu của Đảng bộ Thủ đô trong công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” hiện nay.

Thật ra thì không phải đến khi có Ban Chỉ đạo của Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được Đảng bộ thành phố quan tâm, mà thực tế những nhiệm kỳ gần đây, công tác này luôn được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ riêng nhiệm kỳ 2015-2020, các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng đều được chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ thành phố đến cơ sở đều tập trung giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng. Đặc biệt, các vụ án về tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, trong thời hạn quy định. Công tác tiết giảm chi phí được các cơ quan thành phố thực hiện nghiêm túc… Đáng lưu ý, thông tin về Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc công bố mới đây cho thấy, chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” của thành phố Hà Nội đạt 7,08/10 điểm; tăng điểm so với năm 2020. 

Song phải thẳng thắn thừa nhận, kết quả này chưa bền vững, đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

Do đó, việc Hà Nội lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ sớm phát huy hiệu quả thực chất từ cấp thành phố đến cơ sở, nhất là việc chỉ đạo xuyên suốt các vụ việc, vụ án được dư luận quan tâm; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của cấp ủy các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, để Ban Chỉ đạo Thành ủy làm tốt hơn vai trò của mình, một vấn đề mấu chốt không kém phần quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô tiếp tục quan tâm giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở nhằm tạo chuyển biến thực chất. Đây chính là bước thực hiện theo đúng tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) vừa qua: “Trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.