(HNM) - Theo thống kê, hiện nay 90% doanh nghiệp hoạt động ở TP Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ và vừa, các đơn vị này đang phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoại có nguồn vốn và tiềm lực mạnh hơn.
Kể từ đầu năm đến ngày 15-8-2018, TP Hồ Chí Minh đã cấp 27.454 giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp mới, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng số vốn đăng ký đạt 354.115 tỷ đồng. Theo lộ trình, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 500.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm gần 1/2 tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong bối cảnh hội nhập rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách lớn vì doanh nghiệp non trẻ phải chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù trong 3 năm liên tiếp TP Hồ Chí Minh đã triển khai việc vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển sang thành lập doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 3.000 hộ thực hiện. Con số này là rất nhỏ so với 250.000 hộ kinh doanh đang hoạt động tại thành phố, bởi nhiều hộ kinh doanh lo ngại việc nâng cấp lên thành doanh nghiệp vì sợ vướng thủ tục pháp lý, vốn và thuế.
Bà Nguyễn Bính - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, chuyên sản xuất chế biến bún cho biết: “Tôi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hình thức hộ gia đình lên doanh nghiệp từ năm 2004. Sau khi chuyển đổi tôi dễ dàng đưa mặt hàng bún của công ty vào các kênh phân phối của trường học, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, việc thành lập công ty gặp không ít khó khăn về vốn, nhân sự và các thủ tục pháp lý”.
Để doanh nghiệp phát triển ổn định và tạo ra giá trị kinh tế, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần đầu tư phát triển doanh nghiệp ở cả mặt số lượng và chất lượng. Trong đó, số lượng doanh nghiệp có được từ ba nguồn bao gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, nâng tầm hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phát triển thêm doanh nghiệp mới.
Ông Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 8 nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, tạo nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển hạ tầng, phát triển thị trường các ngành hàng, nguồn nhân lực, liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Về hoạt động nuôi dưỡng, ươm tạo doanh nghiệp, theo kế hoạch đến cuối năm 2020, thành phố phải có 20.000 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình công ty. Các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.
Hiện nay, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ra mắt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa chỉ: hcmtax.gov.vn. Cục Thuế thành phố đặt phương châm không để doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn hay ngừng kinh doanh do thiếu thông tin về thuế.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn về thị trường tiêu thụ, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình bình ổn thị trường kết hợp thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp thành phố. Bên cạnh đó, về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hiện nay TP Hồ Chí Minh có các quỹ như: Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo có quy mô gần 100 tỷ đồng, mỗi dự án khởi nghiệp được phê duyệt sẽ nhận được nguồn hỗ trợ tới 2 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.