(HNM) - Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, chính sách hỗ trợ về cơ chế và kinh phí.
Thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp. Một mặt, thành phố cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, mặt khác mở các lớp đào tạo cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Nhưng để hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần có giải pháp vừa tổng thể, vừa chi tiết, trên cơ sở khảo sát, đánh giá đúng thực tiễn.
Từ nhận định đó, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đánh giá thực trạng doanh nghiệp trên địa bàn để làm rõ khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, với doanh nghiệp sản xuất phải có mặt bằng để đặt nhà xưởng, cần được hỗ trợ về khoa học, công nghệ. Doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng xuất, nhập khẩu thì cần hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thuế, hải quan...
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên đối thoại để lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song tốc độ phát triển chưa như mong muốn. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi chưa tính đến yếu tố thị trường nên chưa cho thu nhập cao. Chưa kể, khi nông dân tự phát nhân rộng một mô hình dễ dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm nên phải “giải cứu”...
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị lãnh đạo các huyện phải xây dựng phương án hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu, khả năng của nông dân, bên cạnh việc thúc đẩy chính sách về tín dụng, dạy nghề. Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những định hướng sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với trình độ canh tác, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu của thị trường. Tiếp đó, phải phối hợp để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng và đạt lợi nhuận cao bằng cách tổ chức chợ đầu mối, quảng bá và đăng ký thương hiệu...
Một lĩnh vực nữa được thành phố hết sức quan tâm hỗ trợ là các làng nghề truyền thống. Trên thực tế, không ít làng nghề đang có dấu hiệu mai một hoặc hiệu quả sản xuất chưa cao. Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ lo ngại khi một làng nghề truyền thống tại huyện Thường Tín hiện chỉ còn một nghệ nhân. Trong khi đó, nơi có quy mô sản xuất lớn như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) thì mẫu mã chưa phong phú, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề theo hướng sửa đổi một số chính sách của Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố, trên tinh thần, làng nghề nào cần hỗ trợ khâu gì thì thành phố hỗ trợ khâu đó, từ kỹ thuật, đào tạo nhân lực đến quảng bá sản phẩm.
Với mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là “đầu tàu” của cả nước, UBND TP Hà Nội coi việc ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các thành phần kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Với tinh thần đó, những chính sách thể hiện phương châm “kiến tạo và hành động” đã và đang được thành phố nghiên cứu, ban hành nhằm tạo “cú hích” cho doanh nghiệp và các hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.