Đô thị

Tăng “chất lượng đô thị" Thủ đô

Dạ Khánh 27/07/2023 06:25

Sau 15 năm, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh mở rộng quy mô không gian đô thị theo quy hoạch với ngày càng nhiều các khu đô thị mới khang trang, hiện đại được hình thành, Hà Nội còn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, từng bước tăng “chất lượng đô thị" Thủ đô.

pham-hung-5.jpg
Không gian đô thị Thủ đô ngày càng mở rộng.

Mở rộng quy mô đô thị

Nhìn lại 15 năm sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, có thể thấy rõ sự thay đổi của diện mạo đô thị Thủ đô. Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị, tạo nên diện mạo mới, khang trang hơn, quy mô hơn cho đô thị Thủ đô.

Theo đó, cùng với thực hiện xây dựng, cải tạo đô thị nội đô với các khu đô thị mới được hình thành trong Vành đai 3 như: Royal City, Times City, Trung Hòa - Nhân Chính...; thành phố đã và đang thực hiện phát triển mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch ra khu vực ngoại thành.

Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại như: Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Bắc/Nam An Khánh, Vin City Sportia, Vinhomes Smart City... về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park... về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda... về phía Nam; Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn... ở phía Bắc, đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và diện mạo Thủ đô đổi khác theo hướng hiện đại hơn, văn minh hơn sau 15 năm sáp nhập địa giới.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

Giao thông thuận lợi, dân cư hội tụ cũng biến các vùng đất ven đô trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, như: Trung tâm mua sắm Aeon Mall (Long Biên), Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức)... phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, triển khai Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn Outlet, kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

20200919_104806.jpg
Hà Nội dành nguồn lực thực hiện trồng cây xanh, cải tạo vườn hoa đem đến không gian xanh mát.

Tăng tính hấp dẫn cho đô thị

Cùng với từng bước phát triển mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch được duyệt, các chương trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũng đã và đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện. Nhờ đó, Hà Nội đang không ngừng “thay da, đổi thịt” với diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Cụ thể, giữ gìn và phát triển giá trị của hồ nước, cây xanh - vốn là niềm tự hào của Hà Nội khi là một trong những Thủ đô có nhiều cây xanh, hồ nước trên thế giới, thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước, hướng tới xây dựng Thủ đô thành một đô thị “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016-2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian, cảnh quan xanh trên địa bàn thành phố. Hệ thống cây xanh của Thủ đô không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, điều hòa không khí.

Thành phố cũng đã khởi công nhiều dự án xây dựng công viên, hồ nước lớn như: Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, công viên hồ điều hòa Nhân Chính; công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch... tạo khoảng đệm, không gian xanh mát và là “máy điều hòa không khí” tự nhiên cho khu vực, góp phần cải thiện không gian sống, chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Xây dựng thành phố “không dây” an toàn, văn minh, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi. Theo đó, hàng loạt “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được thanh thải, xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được “xóa rác trời”, thực hiện chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng cây xanh... mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Đem đến thêm những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân, trong thời gian qua, thành phố đã nghiên cứu xây dựng, từng bước đưa vào các không gian, tuyến phố đi bộ: Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất; Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây... Việc đưa vào hoạt động các không gian, tuyến phố đi bộ được các chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá cao khi Hà Nội đang thiếu hụt điểm vui chơi sau quá trình tập trung phát triển các dự án nhà ở... Trong đó, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đoạt giải Xuất sắc Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất do Hội Quy hoạch đô thị phát triển đô thị Việt Nam tổ chức năm 2019.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các chương trình cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị Hà Nội thực hiện thời gian qua đang từng bước tăng tính hấp dẫn cho Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân; hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng “chất lượng đô thị" Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.