(HNMO) - Ngày 16-3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình hành động xác định 4 quan điểm, 3 mục đích, yêu cầu; 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 và một số nội dung cụ thể về tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 06, trong đó có nhiều nội dụng cụ thể, mới, gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm
Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ quan điểm triển khai thực hiện là đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đặc trưng làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn. Thành phố cũng sẽ kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, di dời các cơ sở gây ô nhiễm, xây dựng, cải tạo chung cư cũ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy công trình có giá trị, giữ gìn bản sắc văn hóa lịch sử...
“Công tác quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị”, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ rõ.
Về chỉ tiêu, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62%, đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65 - 75% (theo Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 của Thành ủy). Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất nhiên tự đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 - 36%.
Đến năm 2025, thành phố hoàn thành 100% quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ... Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%.
Thành phố ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30-35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025; phấn đấu tăng tổng số lượng giường bệnh của các cơ sở y tế (tại các trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa các cấp) đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 21.880 giường bệnh, đến năm 2030 khoảng 24.380 giường bệnh...
Hà Nội phấn đấu tăng số lượng các trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135-140 trường, đến năm 2030 khoảng 150 trường; tăng số lượng các trường tư thục đến năm 2025 khoảng 112-116 trường, đến năm 2030 khoảng 125-130 trường. Đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.
Ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động
Về nhiệm vụ, giải pháp, trên cơ sở thống nhất nhận thức và hành động, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, khai thác thế mạnh của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, xây dựng và đầu tư xây dựng, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã nhằm tạo sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Hà Nội sẽ đổi mới phương pháp, nội dung, quy trình quy hoạch; quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Không gian phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô Hà Nội...
Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô: Thành phố, thị xã, quận, huyện, hành lang xanh - nông thôn. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới (xây dựng thành phố thuộc Thủ đô; đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa tại các đô thị vệ tinh), từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh. Phấn đấu đến năm 2025, có 3-5 huyện phát triển thành quận.
Thành phố sẽ hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch... Phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/người vào năm 2025 và khoảng 31 m2 sàn/người vào năm 2030.
Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung; tiếp tục rà soát các quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người lao động và các thiết chế khác trong khu công nghiệp...
Trong chương trình, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thành phố và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy. Chương trình cũng bao gồm 5 phụ lục nêu chi tiết các chỉ tiêu, số liệu giúp thuận tiện trong quá trình phân công, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.