(HNM) - Cuộc
Tân Tổng thống Hassan Rowhani đang mang lại hy vọng mới về việc khai thông bế tắc liên quan đến hạt nhân tại Iran. |
Thắng lợi của ứng viên H.Rowhani với gần 50,7% số phiếu, trong cuộc bầu cử tổng thống Iran (14-6) vừa qua, là yếu tố đầy bất ngờ. Bởi ông H.Rowhani là giáo sĩ duy nhất ra tranh cử và cũng là người duy nhất theo đường lối ôn hòa trong 6 ứng cử viên (5 ứng viên đều thuộc phe bảo thủ) và bỏ xa người về vị trí thứ hai là Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf (chỉ được 16% số phiếu). Đây là một chiến thắng tuyệt đối và Iran không phải tiến hành bỏ phiếu lại lần hai. Ngay thời điểm đó, Mỹ và các nước phương Tây đã tỏ ra lạc quan với kết quả bầu cử. Còn giới quan sát thì tin tưởng, Tehran sẽ có thái độ mềm dẻo hơn so với thời của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đặc biệt là "hồ sơ" hạt nhân và thái độ với cuộc nội chiến Syria. Ngay khi khẳng định có sự đổi ngôi trên chính trường Iran, đồng rial của quốc gia Hồi giáo đã tăng 6% giá trị so với đồng USD. Như vậy, không chỉ về vấn đề hạt nhân, cuộc đổi ngôi vừa diễn ra trên chính trường Iran còn mang đến cho người dân hy vọng cuộc sống sẽ được cải thiện.
Rõ ràng, sự kiện giáo sĩ H.Rowhani đắc cử Tổng thống Iran đã mở ra bước ngoặt mới. Giới phân tích cho rằng, tân tổng thống 64 tuổi - theo đường lối ôn hòa, có tư tưởng cải cách - từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran trong giai đoạn 2003-2005 và chỉ từ bỏ vị trí này sau khi ông M.Ahmadinejad nhậm chức tổng thống (tháng 8-2005), sẽ tạo cơ hội mở rộng cánh cửa đàm phán với phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Kể từ khi ông M.Ahmadinejad làm Tổng thống, ông H.Rowhani thường xuyên chỉ trích chính sách ngoại giao và kinh tế của vị tổng thống theo đường lối bảo thủ này. Thêm vào đó, trong cương lĩnh tranh cử, ông H.Rowhani đã cam kết đoạn tuyệt hoàn toàn với các chính sách đang đẩy Iran vào thế đối đầu với phương Tây. Bên cạnh đó, vị tổng thống giáo sĩ này cũng cam kết thu hẹp khoảng cách giữa những người theo đường lối bảo thủ và những nhà cải cách. Và trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ngày 4-8, điều này một lần nữa được nhấn mạnh. Theo đó, tân Tổng thống H.Rowhani đã đề cập về "cuộc sống tốt hơn" trong một thế giới mà người dân Iran không bị cô lập và cam kết mục tiêu trong nhiệm kỳ là cải thiện đời sống của người dân, song song với việc phá vỡ thế cô lập nhằm vào Iran thông qua lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Tổng thống H.Rowhani cũng nêu rõ, các biện pháp trừng phạt và đe dọa chiến tranh không thể là công cụ để gây áp lực với quốc gia Hồi giáo. Giới quan sát cho rằng, với sự hậu thuẫn của các cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, tân Tổng thống H.Rowhani sẽ dễ dàng hơn trong thực hiện các kế hoạch hướng đến loại bỏ tình cảnh đối đầu với phương Tây.
Ngay lập tức, phát biểu mang tính xây dựng này của tân Tổng thống H.Rowhani đã nhận được sự tán đồng của nhiều quốc gia. Ngày 4-8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẵn sàng làm việc với Iran nếu chính phủ mới tham gia một cách "thực sự và nghiêm túc" để giải quyết những lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Trước đó, Anh đã lên tiếng kêu gọi ông H.Rowhani "đưa Iran theo một con đường khác vì tương lai: Giải quyết các quan ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran, hướng tới mối quan hệ mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế"...
Một thuận lợi bước đầu đã hé lộ. Thế nhưng, trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, tân Tổng thống H.Rowhani cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Tại Iran, trong suốt hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống M.Ahmadinejad, mâu thuẫn giữa Tehran và phương Tây đã gia tăng mạnh mẽ. Các lệnh cấm vận của phương Tây đã khiến nền kinh tế Iran tụt dốc, lạm phát tăng cao, đồng rial mất giá trầm trọng do tác động của các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành hóa dầu và tài chính nước này. Trong khi đó, với bên ngoài, ngay trước thềm lễ nhậm chức tổng thống vừa diễn ra, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm siết chặt trừng phạt với Iran; theo đó sẽ cắt giảm chỉ tiêu xuất khẩu dầu của Iran thêm 1 triệu thùng/1 ngày trong vòng 1 năm. Còn lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei vẫn tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình làm giàu urani. Đó là những trở ngại không dễ vượt qua trong thời gian tới của ông H.Rowhani. Nhưng dư luận khu vực và quốc tế vẫn kỳ vọng, tân Tổng thống Iran sẽ mang lại cơ hội mới cho quốc gia Hồi giáo này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.