Ngày 18-6, theo AP, 6 ứng cử viên Tổng thống đã thảo luận về các vấn đề kinh tế của Iran trong cuộc tranh luận trực tiếp kéo dài 4 giờ trên truyền hình nhà nước, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 28-6.
Sự kiện diễn ra sau vụ tai nạn máy bay trực thăng vào tháng trước khiến Tổng thống Ebrahim Raisi và 7 người khác thiệt mạng.
Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong số 5 cuộc tranh luận được lên kế hoạch trong 10 ngày còn lại trước cuộc bỏ phiếu trong chiến dịch rút ngắn nhằm thay thế Tổng thống Raisi, người từng được coi là có thể kế vị lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Các ứng cử viên đã thảo luận về các đề xuất và kế hoạch của họ đối với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của Iran, quốc gia phải vật lộn dưới các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia phương Tây. Các ứng cử viên đều cam kết sẽ cố gắng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đưa ra các cải cách nhưng không đưa ra kế hoạch chi tiết.
Các ứng cử viên cũng thảo luận về lạm phát, thâm hụt ngân sách, vấn đề nhà và chống tham nhũng ở quốc gia Hồi giáo này.
5 trong số các ứng cử viên là những người có quan điểm cứng rắn trong khi ứng cử viên thứ 6, nhà lập pháp Masoud Pezeshkian, 69 tuổi, là một bác sĩ phẫu thuật tim được một số nhà cải cách ủng hộ.
Ứng cử viên nổi bật nhất vẫn là Mohammad Bagher Qalibaf, 62 tuổi, cựu thị trưởng Tehran có quan hệ chặt chẽ với lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran.
Trong số những người tranh cử Tổng thống còn có Phó Tổng thống Iran, Amir Hossein Qazizadeh Hashemi, 53 tuổi, và thị trưởng hiện tại của Tehran, Ali Reza Zakani, 58 tuổi. Một thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao là Saeed Jalili, 58 tuổi và giáo sĩ Mostafa Pourmohammadi, 64 tuổi; cựu Bộ trưởng Nội vụ dưới thời cựu Tổng thống Hassan Rouhani, cũng tham gia cuộc đua.
Ứng cử viên Qalibaf cam kết sẽ là một tổng thống “mạnh mẽ”, có những chính sách hỗ trợ người nghèo, quản lý nền kinh tế tốt hơn và nỗ lực dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thông qua các biện pháp ngoại giao.
Ứng cử viên Pezeshkian cho biết, các biện pháp trừng phạt là một “thảm họa” và cũng vận động hành lang để người dân ít bị hạn chế hơn trên Internet. Iran từ lâu đã chặn Facebook, X, Instagram, Telegram cũng như các nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng khác, chủ yếu lo ngại về tính bảo mật.
Tất cả ứng cử viên đều cam kết tăng cường sức mạnh đồng tiền nội tệ rial, hiện đã giảm xuống còn 580.000 đổi 1 USD. Có thời điểm 32.000 rial đổi 1 USD khi Iran và các nước phương Tây đạt được thỏa thuận vào năm 2015 về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, 6 ứng cử viên đã không đề cập đến các cuộc đàm phán với phương Tây nhằm tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran đã đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này năm 2018.
Cuộc bầu cử ngày 28-6 diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Tehran, việc nước này trang bị vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Iran đối với các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông ngày càng được chú ý khi phiến quân Houthi của Yemen do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu ở Biển Đỏ để ủng hộ phong trào Hamas trong cuộc chiến Israel - Hamas ở Dải Gaza.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.