(HNM) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề nghị một số giải pháp, trong đó có việc tạm dừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; đồng thời, bỏ các sản phẩm chế biến từ dầu thô khỏi nhóm hàng chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu…
Về việc này, có ý kiến đồng tình khi cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dừng nhập khẩu giúp tiết kiệm nguồn ngoại tệ, trong khi sản xuất trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có ý kiến đề nghị cần thận trọng khi xem xét dừng nhập khẩu xăng dầu, bởi việc giảm giá dầu mỏ thế giới không phải là xu hướng vững chắc, và tùy thuộc kết quả "cuộc chiến" giá xăng dầu giữa các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới. Tín hiệu mới rõ nhất là thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và 6-2020. Cung giảm, nghĩa là giá xăng dầu thế giới sẽ tăng trở lại thời gian tới.
Mặt khác, giá xăng dầu thành phẩm bán lẻ trong nước và thế giới có sự khác nhau về cơ cấu thành phần và chi phí khai thác, chế biến; vì thế, không thể so sánh giá tự động với nhau được. Bên cạnh đó, xăng dầu là tài nguyên không thể phục hồi, cần ưu tiên nhập khẩu khi giá rẻ, thay vì tận khai thác. Hơn nữa, cần tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường; tức nguồn cung cấp xăng nào rẻ sẽ được các đơn vị đầu mối phân phối chọn.
Tạm dừng hay tiếp tục nhập khẩu xăng dầu? Người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sản phẩm này, cơ quan quản lý đều có quan điểm, góc nhìn nhận của mình. Nhưng trên tất cả, bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng đòi hỏi các ngành, các doanh nghiệp chủ động và tuân thủ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nói cách khác, để hàng hóa Việt Nam trụ vững ở chính thị trường nội địa hay xuất khẩu, trước hết hàng hóa, sản phẩm đó phải có sức cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng, giá cả theo nguyên tắc hội nhập, thay vì trông đợi sự bảo hộ của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.