Kinh tế

Bộ Công Thương trả lời về cơ chế để doanh nghiệp tự tính giá bán xăng dầu

Lam Giang 29/03/2024 - 17:39

Liên quan tới dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, tại họp báo thường kỳ quý I-2024 diễn ra chiều nay, 29-3, Bộ Công Thương đã nêu cơ chế cho phép doanh nghiệp được tự tính giá xăng dầu.

hop-bao-bct.jpg
Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây.

Theo đó, về cơ chế giá xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định Nhà nước ban hành nguyên tắc và công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán nhưng không cao hơn công thức giá Nhà nước quy định.

Về cơ chế bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bộc lộ những bất cập cần sửa đổi. Theo đó, cần quy định cụ thể hơn về mức trích chi và thời gian được trích chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu… Các nội dung này sẽ được lấy ý kiến để xây dựng cơ chế phù hợp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi thời gian tới.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự kiến nghị định mới có nhiều nội dung mới, bảo đảm mục tiêu cân đối cung cầu xăng dầu, giữ an ninh năng lượng, đồng thời tiếp cận cơ chế thị trường và có sự điều tiết của cơ quan nhà nước. Do đó, cần hệ thống lại các thương nhân, các chủ thể trực tiếp kinh doanh, cung ứng xăng dầu cho thị trường. Việc điều hành cũng sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng tiệm cận, nhịp nhàng với tình hình giá xăng dầu thế giới.

Hiện có rất nhiều ý kiến xung quanh việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hay không. Bộ Công Thương qua nghiên cứu nhận thấy có một số vấn đề cần điều chỉnh và đã đưa vào dự thảo nghị định.

Cũng tại họp báo, liên quan tới việc một số doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước có hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho biết, Bộ Công Thương đang xử lý đề nghị trên theo đúng quy trình, bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ luật định.

Cụ thể, Bộ thẩm định hồ sơ trong vòng 15 ngày. Khi hồ sơ đã đầy đủ, sẽ thẩm định thực tế trong 45 ngày, sau đó sẽ xem xét khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống phá giá. Thời hạn điều tra sau khi khởi xướng kéo dài 12 tháng, một số trường hợp kéo dài 18 tháng.

“Trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể và yêu cầu các bên liên quan công cấp chứng cứ để có thể xem xét một cách toàn diện, khách quan, lắng nghe ý kiến các bên và đưa ra kết luận hợp lý”, ông Chu Thắng Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương trả lời về cơ chế để doanh nghiệp tự tính giá bán xăng dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.