(HNM) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, nông nghiệp lại là một “điểm đến” hấp dẫn. Do vậy, thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một yêu cầu tất yếu.
Tại Hà Nội, đến nay đã xây dựng và phát triển được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù vậy, thực tế cho thấy, nông nghiệp Thủ đô chủ yếu vẫn dựa vào đông đảo các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này dẫn đến khó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường với yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, thương hiệu sản phẩm.
Mặt khác, dù là “điểm đến” tiềm năng, nhưng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, như: Thiên tai, dịch bệnh...
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất dưới hình thức trang trại, những cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai tại Hà Nội bước đầu mang lại kết quả, nhưng chưa thật sự tạo được động lực mạnh mẽ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất hàng hóa tập trung nhưng không có diện tích đất đủ lớn để xây dựng vùng nguyên liệu. Những nơi “đất chật, người đông”, có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, việc thuê đất sản xuất nông nghiệp càng gặp nhiều khó khăn… Đây là “rào cản” lớn nhất trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua.
Để tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, giải quyết “bài toán” quỹ đất nhỏ hẹp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến nông sản, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng và bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được chỉ rõ tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Trước hết, ngành Nông nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cũng như các ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích việc tập trung ruộng đất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch đất nông nghiệp, công bố công khai, để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư sản xuất. Các chính quyền địa phương cần thực hiện tốt chức năng thu gom ruộng đất bỏ hoang, đất 5% công ích của địa phương, đất bãi ven sông chưa sử dụng… để tạo thành những khu vực có diện tích lớn, giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu và năng lực thuê lại để tổ chức sản xuất.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xây dựng các chính sách tạo điều kiện tăng cường việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân. Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vốn, công nghệ, nông dân góp đất cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Một giải pháp quan trọng khác, đó là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng - xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế… đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu.
Khi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo quỹ đất đủ lớn, qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất quy mô lớn, chắc chắn ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ thành công trong nhiệm vụ tái cơ cấu, phát triển nhanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.