Nông nghiệp

Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba: Kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Ngọc Quỳnh 11/12/2024 - 06:47

Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức từ ngày 29-11 đến 3-12-2024, đã thu hút lượng lớn khách hàng tham quan, mua sắm, trải nghiệm sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Tại Festival, nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm.

festival-san-pham-nong-nghiep.jpg
Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba.

Kết nối cung - cầu nông sản, sản phẩm làng nghề

Chị Đào Thị Thanh Vân ở quận Hà Đông chia sẻ, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024 tổ chức vào ngày cuối tuần, chị cùng một số gia đình đưa con tới vui chơi, mua sắm, thưởng thức không gian văn hóa ẩm thực, trải nghiệm một số hoạt động thú vị... Sản phẩm bán tại Festival đa dạng, phong phú với nhiều loại rau, củ, quả, sản phẩm đặc trưng vùng miền, đều có tem nhãn mác, đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nên người mua yên tâm về chất lượng. Ngoài ra, Festival còn có khu trình diễn tay nghề của các nghệ nhân như trồng dâu nuôi tằm, nặn tò he… thu hút đông trẻ em trải nghiệm bởi sự mới lạ.

Trưởng phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm Lê Thị Bích Hà cho biết, trong Festival lần này, UBND các phường: Mễ Trì, Phú Đô và Hội Nghề bún Phú Đô, Câu lạc bộ Nghề cốm Mễ Trì đại diện cho quận tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh sản phẩm truyền thống làng nghề; qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cốm Mễ Trì, bún Phú Đô và nét đẹp trong lao động sản xuất. Thông qua Festival, việc kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa quận với các đơn vị được đẩy mạnh; đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, sản phẩm tiềm năng... đến gần hơn với người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, kết quả đạt được của Festival lần này rất tốt, với 319 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Trong đó có 152 đơn vị thuộc 25 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội; 125 đơn vị thuộc 25 tỉnh, thành phố; 42 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế (trong đó có 2 doanh nghiệp của Nhật Bản). Trong thời gian diễn ra Festival, đã có hơn 60.000 lượt người tham quan, mua sắm. Đặc biệt, tại các buổi tối diễn ra sự kiện đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm, thưởng lãm...

Tổng doanh thu trong 5 ngày diễn ra sự kiện đạt gần 30 tỷ đồng; trong đó riêng hoạt động sinh vật cảnh có doanh thu hơn 25 tỷ đồng với số lượng giao dịch là 420 tác phẩm, sản phẩm cây cảnh. Ngoài ra, dự kiến sau khi kết thúc Festival, các đơn vị, chủ nhà vườn cam kết mua bán, chuyển nhượng sản phẩm, tác phẩm cây cảnh là 30 tỷ đồng. Cũng thông qua hoạt động trưng bày tại Festival, đã có 13 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và kinh doanh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề.

Đáng chú ý, tại Festival, phần thiết kế gian trưng bày nông sản, sản phẩm làng nghề của các quận, huyện, thị xã đều theo phong cách đặc trưng từng địa phương. Nhờ yếu tố đặc sắc đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản ngon, sạch được sản xuất từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn được đẩy mạnh, tạo liên kết cung - cầu, hợp tác liên kết phát triển. Festival cũng đã tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất giữa các đơn vị, nhất là quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, các mô hình ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản, kết nối bền vững chuỗi giá trị toàn cầu...

Thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng bền vững

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thành phố đã xây dựng hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, hơn 5.000ha rau an toàn, 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Đáng chú ý, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường. Thành phố cũng thêm nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm; chú trọng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, kết nối bền vững chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Ngoài ra, thành phố tập trung bảo tồn và phát triển sản phẩm làng nghề thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội…

Từ kết quả đáng mừng của Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố tổ chức định kỳ Festival 2 năm/lần nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đến đông đảo người dân, khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba: Kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.