(HNM) - Không ít người đã phải thốt lên rằng, trường học bây giờ thực sự là thị trường tiềm năng đối với các công ty kinh doanh sản phẩm phục vụ học sinh, từ sữa, nước uống, sách vở đến quần áo, bảo hiểm…
Dù khẳng định không ép buộc, song, với sự "tiếp thị" của giáo viên, nhân viên nhà trường, hầu hết phụ huynh khó lòng nói không với sản phẩm dù trong lòng không tự nguyện. Đến hẹn lại lên, nỗi bức xúc ngày càng tăng trong dịp cận khai giảng năm học mới.
Nhiệm vụ của giáo viên là thực hiện tốt công tác giảng dạy. Ảnh: Bá Hoạt |
Đến khổ vì phải… tự nguyện
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản cảnh báo các nhà trường về tình trạng một số người mạo danh cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT để tiếp thị, phát hành các loại sách trong trường học.
Thực tế cho thấy tình trạng nói trên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước trong vài ba năm trở lại đây. Ngoài sách vở, trường học giờ đã trở thành nơi tiếp thị ưa thích của các công ty kinh doanh sản phẩm phục vụ HS. Đã xuất hiện "phong trào" may đồng phục HS với quy định mỗi em cần ít nhất 3 bộ (cả đồng phục thể thao), sản phẩm do trường trực tiếp cung cấp hoặc được may, mua theo địa chỉ nhà may mà trường giới thiệu. Có trường tích cực điều chỉnh chi tiết trên đồng phục, từ màu sắc, kiểu cách, nơ áo cho HS nữ, cà vạt cho HS nam… tùy theo nhiệm kỳ hiệu trưởng, mục tiêu là để đồng phục không giống với trường khác. Những vật dụng nhỏ như biển ghi tên, huy hiệu hay lô gô nhà trường trên bìa vở HS cũng được phát hành tại trường, HS không thể tìm mua ở ngoài thị trường.
Cuối năm học 2013-2014, đã có chuyện phụ huynh ở một trường mầm non tại Hà Nội bày tỏ sự bức xúc khi thấy trong ba lô của con có tờ quảng cáo về sản phẩm nước uống kèm lời mời mua hàng có giảm giá tại trường. Không chỉ có nước uống, thực phẩm dinh dưỡng, sữa cũng là sản phẩm được giới thiệu phổ biến tại các trường mầm non. Dù đã có một số nơi bị "tố" thiếu rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm, mập mờ về tiêu chí chất lượng song tốc độ len lỏi của các công ty kinh doanh loại sản phầm này vào nhà trường vẫn chưa giảm. Ngoài ra, chuyện "người ngoài" tác động, "định hướng" cho các nhà trường về việc mua bảo hiểm, sử dụng sổ liên lạc điện tử, dịch vụ chụp ảnh lưu niệm vào dịp cuối năm học, khi tốt nghiệp… dường như không còn là mới ở nhiều trường, cả bậc học mầm non và phổ thông.
Mặc dù khẳng định không ép HS, phụ huynh phải mua các loại sản phẩm, nhưng thực tế cho thấy các nhà trường có khá nhiều "chiêu" để phụ huynh… phải tự nguyện. Trong quy trình tiếp thị thì giáo viên, vì nhiều lẽ, luôn được giao nhiệm vụ "quảng cáo sản phẩm" đến phụ huynh, HS trong lớp. Từng có vị nằm trong ban đại diện phụ huynh HS thẳng thắn chỉ ra những chuyện "có vấn đề", sau đó lập tức bị mời ra khỏi ban đại diện vì "hoạt động không hiệu quả". Thế nên, phần lớn phụ huynh đều cảm thấy khó xử khi không tự nguyện tham gia hưởng ứng các chương trình được tiếp thị tại lớp, tại trường.
Khi được hỏi, hầu hết các trường đều cho rằng việc mua bán xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, giúp cho HS có điều kiện học tốt hơn và nhà trường chỉ là cầu nối giúp phụ huynh thỏa mãn nguyện vọng mà thôi. Theo chị Nguyễn Thu Anh, người có hai con đang học tiểu học và THPT trên địa bàn quận Long Biên, không khó để nhận ra nỗi bức xúc của phụ huynh về chuyện "phải… tự nguyện" vào mỗi đầu năm học mới.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có nhiều trường tích cực "ôm" thêm việc đến vậy?
Tin ở "hoa hồng"
Theo chia sẻ của một hiệu trưởng trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội (xin được giấu tên) thì tình trạng các công ty thực phẩm, nhà sách, nhà may… liên hệ, tiếp thị sản phẩm với các nhà trường ngày càng phổ biến, nhất là vào dịp đầu năm học, nhưng không phải ở nơi nào nhà sản xuất cũng được đáp ứng nguyện vọng. Ở một số nơi, nếu thực sự thấy cần thiết thì nhà trường sẽ tham khảo ý kiến phụ huynh, thậm chí là nhờ phụ huynh thẩm định, cân nhắc và quyết định. Để tránh điều tiếng phức tạp, một số trường đã tìm cách thoát khỏi trách nhiệm tổ chức phát hành sách, văn phòng phẩm, đồng phục… bằng cách chỉ thông báo về mẫu mã, kiểu dáng, yêu cầu… để phụ huynh tự mua sắm. Tuy thế, không phải nơi nào cũng có thể "đường đường chính chính" bởi nhiều khi nguồn cung có thể chọn cách tiếp cận thông qua các cấp quản lý của trường. Nỗi bức xúc trước vấn nạn "phải tự nguyện", không chỉ xuất hiện ở phụ huynh, mà còn ở chính nhà trường khi không thể làm trái "định hướng" của ai đó.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc phụ huynh HS buộc phải tự nguyện, theo "bật mí" của một số cán bộ, giáo viên trong ngành là lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm. Như trong chuyện may đồng phục, Nhà sản xuất, kinh doanh biết rõ rằng, nếu cung ứng qua nhà trường thì phụ huynh khó lòng từ chối, thường dễ dàng chấp nhận yêu cầu về giá và không quá so đo về chất lượng. Bởi thế, các nhà may luôn cạnh tranh quyết liệt nhằm giành được hợp đồng cung ứng sản phẩm thông qua nhà trường. Muốn thành công thì phải "thoáng". Thông thường, tỷ lệ "hoa hồng" được trích lại cho cá nhân hiệu trưởng hoặc vào quỹ công đoàn trường bằng khoảng 10-15% giá trị hợp đồng. Giá sản phẩm càng cao, số HS mua càng nhiều thì hai bên càng có lợi. Thậm chí mới đây, báo chí đã đề cập đến mức hoa hồng "khủng" lên tới 42% mà một công ty sữa dành cho nhà trường ở địa phương phía Nam.
Về những điều khiến phụ huynh bức xúc nói trên, không phải các cấp quản lý không biết. Vấn đề đồng phục HS đã được đặt ra cách đây chục năm. Danh mục và việc quản lý, sử dụng sách tham khảo cũng được ban hành từ hai năm trước. Đầu năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường không được thực hiện hoặc tham gia giới thiệu, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới HS dưới bất kỳ hình thức nào. Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử, bảo hiểm thân thể… được chỉ đạo là phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không được chỉ định nhà cung cấp hoặc ép buộc HS. Những yêu cầu này cũng vừa được nhắc lại trong dịp triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 của ngành.
Tuy nhiên, việc ban hành quy định không đi kèm chế tài đủ mạnh đã khiến các nhà trường khó vượt qua sức cám dỗ từ món lợi mang tên "hoa hồng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.