Giáo dục

Tăng tốc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Thu Hằng 23/04/2024 - 07:29

Công nghiệp vi mạch bán dẫn là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Tuy nhiên, nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, cơ quan quản lý cần có chính sách, quy định cụ thể khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển.

sang-tao.jpg
Giới thiệu các sản phẩm vi mạch tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Mỗi năm cần hơn 10.000 kỹ sư

Việt Nam hiện có khoảng 5.600 kỹ sư thiết kế chip, làm việc tại hơn 40 công ty trong nước có hoạt động liên quan tới chip. Hầu hết là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ có 2 công ty Việt Nam là Viettel và FPT. Nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cao, cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm.

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần ít nhất khoảng 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn (gấp 10 lần con số hiện nay). Muốn đạt kế hoạch này, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự.

Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), thiết kế vi mạch có nhiều khâu, trong đó có khâu thiết kế nguyên lý (frontend) đòi hỏi kỹ sư phải có trình độ cao. Kỹ sư Việt chỉ giỏi trong một công đoạn thiết kế, chủ yếu làm ở khâu thiết kế vật lý (backend), tức là làm theo yêu cầu của các kỹ sư thiết kế nguyên lý.

“Thực tế cho thấy, mục tiêu đào tạo cần hướng tới kỹ sư Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế các vi mạch phức tạp, thiết kế thành công các vi mạch”, PGS.TS Phạm Trần Vũ nêu ý kiến.

Còn Trưởng ban Công nghệ bán dẫn (Tập đoàn Viettel) Nguyễn Cương Hoàng cho biết, hằng năm, Viettel đều có nhu cầu tuyển dụng 20-30 kỹ sư vi mạch nhưng thực tế chỉ chọn được hơn 10 người.

Theo ông Hoàng, với tham vọng đạt được vị trí nhóm 20 công ty thiết kế chip hàng đầu châu Á vào năm 2035, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực hơn 500 kỹ sư vào năm 2030, hơn 1.000 kỹ sư vào năm 2035. Trong đó, cần hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

“Để các kỹ sư đào tạo ở Việt Nam đáp ứng được trình độ cao đòi hỏi một quá trình dài. Hy vọng sắp tới chúng ta đào tạo được những kỹ sư có thể tham gia sâu hơn, đầy đủ các công đoạn thiết kế của chip số, chip cao tần”, ông Nguyễn Cương Hoàng chia sẻ.

Chú trọng đào tạo “Rộng - Sâu - Cao”

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tuy nhiên rất ít cơ sở đào tạo có kinh nghiệm và truyền thống.

Để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn cần chú trọng theo hướng “Rộng - Sâu - Cao”, trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”. Điều này có nghĩa, nhân lực được đào tạo phải đạt trình độ cao và chuyên môn sâu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nhanh chóng xem xét, bổ sung mã ngành đào tạo trực tiếp về vi mạch bán dẫn, hướng dẫn xây dựng ngành, chương trình đào tạo, kết nối chuyên gia, trường đại học quốc tế với các trường đại học, cơ sở đào tạo ở Việt Nam... để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ đã và đang tiếp tục triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước”. Trong đó, Bộ tập trung triển khai các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử bán dẫn.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn, ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu về chip bán dẫn. Đây là hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh có sự hỗ trợ và tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ dành kinh phí cử cán bộ đi nước ngoài học tập thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Cần "gói" cơ chế, chính sách đột phá

Sáng 22-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Một số nhóm giải pháp đáng chú ý được đề án đặt ra là đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn…

Tại cuộc làm việc, một số ý kiến cho rằng, đề án cần làm rõ cơ sở khoa học, dự báo xu thế trong nước, quốc tế; mối quan hệ với các chương trình, đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao; phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành; tăng cường vai trò của các cơ sở đào tạo, địa phương theo cơ chế "đặt hàng"…

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, tiếp tục nghiên cứu, "vừa làm, vừa hoàn thiện" dự thảo đề án, đặc biệt cần làm rõ các nguồn lực triển khai cho từng mục tiêu, nhiệm vụ. "Đề án cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, trong hình thành và bảo đảm các điều kiện (cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị) cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với tiêu chí rõ ràng trên cơ sở kế thừa các trung tâm, cơ sở nghiên cứu hiện có; đặt hàng nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia về thiết kế vi mạch bán dẫn, vật liệu, công nghệ thông tin… "Đề án cần có tư duy xuyên suốt, thống nhất theo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, đưa ra sản phẩm, dự án cụ thể về tiến độ, đơn vị chịu trách nhiệm, không để chồng chéo, dàn trải", Phó Thủ tướng lưu ý.

(Theo Chinhphu.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.