Bận đi làm, đưa con đến trường, nhiều gia đình coi nhẹ bữa sáng của con dù đó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày cho cả người lớn và trẻ em. Thói quen bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và quá trình học tập của trẻ.
Quà vặt không thể thay cho bữa sáng
Bữa ăn sáng rất quan trọng bởi đây là thời điểm quan trọng nhất trong ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng, đặc biệt là với trẻ em trong độ tuổi 5 đến 15 tuổi - giai đoạn được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra là 10 năm vàng với sự phát triển vượt bậc của trẻ. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả, tất bật của mỗi gia đình vào sáng sớm, chất lượng bữa sáng cho trẻ chưa được đảm bảo.
Tại các cổng trường, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh vội vàng mua thức ăn sáng để mang vào lớp hoặc ăn sáng ngay trên xe khi được bố mẹ đưa đến trường. Do đó, bữa sáng phổ biến của trẻ em là quà vặt được bán ở cổng trường như xôi, bánh mỳ, bánh ngọt, xúc xích... Đây phần lớn là những món ăn nhiều tinh bột, no nhanh nhưng không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Chưa kể, nhiều loại quà sáng được bày bán tại vỉa hè, khó có thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của bữa ăn sáng, hoặc quá bận rộn nên không chú ý chuẩn bị tốt bữa sáng cho con. Do đó, thay vì tự tay chuẩn bị bữa sáng cho con, phụ huynh thường cho con tiền để tự ăn sáng ở ngoài mà không kiểm soát được thực phẩm đó có tốt cho trẻ hay không. Thay vì dùng tiền để ăn sáng, không ít trẻ lại “nhịn” để dành tiền mua truyện tranh, đồ chơi hoặc chọn các đồ ăn vặt hấp dẫn ở cổng trường.
Chị Đặng Mai Chi (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Linh Đàm) cho biết: “Buổi sáng, tôi phải đưa con đi học rồi đi làm. Con sợ muộn học mà mẹ cũng sợ muộn giờ làm nên bữa sáng tôi thường cho con uống sữa tươi ở nhà, sau đó mua cho con bánh mỳ pate, bánh crepe, doner kebab... ở các hàng trên đường đến trường hoặc ngay ở cổng trường. Con có thể mang đến lớp ăn hoặc nếu muộn thì ăn luôn trên đường đi. Biết rằng ăn như vậy thì khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như khi ăn ở nhà, nhưng quả thật là việc chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà mất nhiều thời gian quá”.
Không nên “quên” bữa sáng của trẻ
Bữa ăn sáng rất quan trọng bởi giúp cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động trong 4 - 5 tiết học của học sinh mỗi ngày. Trải qua một khoảng thời gian dài từ 10 - 12 giờ kể từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước và sau giấc ngủ, buổi sáng thức dậy là thời điểm trẻ cần bữa sáng để cung cấp năng lượng, tăng cường trí não giúp cho việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả hơn.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: "Hậu quả đầu tiên của việc không ăn sáng là các cháu không được cung cấp năng lượng để khởi động quá trình hoạt động và chuyển hóa của cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, không ăn sáng còn làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, trẻ cũng dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng hay bị mệt mỏi, buồn ngủ, khó tập trung, uể oải và hay cáu gắt, ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc và hành vi".
Một bữa sáng đủ chất cần cung cấp đủ cacbon hydrate phức hợp có nhiều trong ngũ cốc, bánh mỳ, một số rau củ như khoai tây, cà rốt và củ cải... Các loại thực phẩm kể trên đều chứa các loại đường sẽ được cơ thể hấp thụ và tiêu hóa từ từ, tạo nên nguồn năng lượng dài hạn để giúp duy trì các hoạt động thể chất của trẻ trong một ngày dài.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo, phụ huynh nên sắp xếp cho con tập dậy sớm và ăn sáng tại nhà cùng với gia đình, như thế thì vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp bầu không khí gia đình tốt hơn. Đó cũng là cách xây dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.