Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự hồi phục tích cực của kinh tế Mỹ

Thùy Dương| 24/03/2018 07:43

(HNM) - Cuộc họp chính sách đầu tiên của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dưới thời tân Chủ tịch Jerome Powell đã kết thúc và đưa tới một quyết định đã được dự báo: Mỹ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, ở mức 1,5-1,75%.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ khi Ủy ban Thị trường mở (FOMC) bắt đầu đưa lãi suất thoát khỏi vùng cận 0% vào tháng 12-2015. Theo bản tóm tắt triển vọng kinh tế mà FOMC đưa ra mỗi quý, về cơ bản sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế phố Wall lại cho rằng, FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018. Mục đích của FED là kích thích người dân cho vay để "rót" thêm tiền vào nền kinh tế.

FED nâng lãi suất phản ánh sự đi lên của nền kinh tế Mỹ.


Động thái nâng lãi suất của FED một lần nữa phản ánh sự đi lên của nền kinh tế số 1 thế giới. Sau thời gian phục hồi, kinh tế Mỹ đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát tăng cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp giảm thấp. Tân Chủ tịch FED Powell khẳng định, chính sách tài khóa đã trở nên thuận lợi hơn. Dự luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu vừa được Quốc hội thông qua cũng bổ sung thêm động lực tăng trưởng cho kinh tế nước này. Lạm phát của Mỹ trong tháng 1 là 1,7%. FED dự báo lạm phát đến năm 2019 sẽ đạt mức mục tiêu 2% và lên 2,1% trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay và năm tới của kinh tế Mỹ được FED điều chỉnh nâng lên tương ứng là 2,7% và 2,4%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện ở mức 4,1%, thấp nhất kể từ năm 2000. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi tháng Mỹ đã có thêm 197.000 việc làm.

Theo các nhà phân tích, quyết định của FED không chỉ tác động đến các thị trường tài chính Mỹ mà còn ảnh hưởng tới các khu vực và nền kinh tế khác. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức, các nước ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong ngắn hạn có thể được hưởng lợi từ việc Mỹ nâng lãi suất. Cơ quan này cho rằng lãi suất tại Mỹ tăng sẽ đi đôi với việc đồng USD lên giá và đương nhiên dẫn tới việc đồng euro xuống giá so với đồng USD, nhờ đó xuất khẩu của các nước ở Eurozone sẽ tăng lên đủ để có thể khắc phục tốt những tác động từ việc nhu cầu của Mỹ giảm. Ước tính, giá trị trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đạt khoảng 1.300 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, cũng liên quan đến tác động của việc Mỹ tăng lãi suất, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho rằng tác động đến thị trường Hàn Quốc sẽ hạn chế. BoK sẽ theo sát các vấn đề kinh tế và tài chính trong và ngoài nước để xác định thời điểm thích hợp nhất cho việc nâng lãi suất, khi lãi suất của Hàn Quốc hiện thấp hơn lãi suất tại Mỹ, lần đầu tiên trong hơn 10 năm. Trung Quốc cũng đã tăng nhẹ một mức lãi suất ngắn hạn chủ chốt sau động thái của FED, một hành động mang tính tượng trưng nhằm phát đi thông điệp Bắc Kinh vẫn đang theo dõi sát xu hướng thị trường toàn cầu ngay cả khi đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro trên thị trường tài chính nội địa.

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế là nhân tố có tầm ảnh hưởng chủ chốt đến chính sách tiền tệ của FED thì cơ quan này dự báo đến cuối năm 2019, lãi suất cơ bản đồng USD sẽ đạt mức 2,9%. Điều này đồng nghĩa với việc FED có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2019, so với mức dự báo tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019 được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng là minh chứng cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế nước này đang diễn ra tích cực.

Các tín hiệu hiện tại đều khẳng định đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018 và sẽ đóng góp chung cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự hồi phục tích cực của kinh tế Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.