Kinh tế

Kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”

Thùy Dương 01/11/2023 - 06:38

Một lần nữa, bất chấp những cảnh báo về suy thoái, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng gần 5% trong quý III-2023, do thị trường lao động tiếp tục thể hiện sức mạnh, trong khi người tiêu dùng không ngần ngại chi tiêu.

Điều này có thể tạo ra cú “hạ cánh mềm” - lạm phát giảm, tăng trưởng chậm lại với tốc độ ổn định và không rơi vào suy thoái - cho nền kinh tế số một thế giới khi có nhiều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kéo dài thời gian tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra ngày 31-10 đến 1-11 (giờ địa phương).

kt-my.jpg
Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ tăng mạnh trong quý III-2023.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tháng 10 cho thấy, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,9% trong quý III-2023. Đây là con số ấn tượng so với mức tăng 2,1% ghi nhận trong quý II-2023, đồng thời cao hơn mức dự báo tăng 4,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của Hãng tin Dow Jones. Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tăng ở mức 4,0% sau khi chỉ tăng với tốc độ 0,8% trong quý II-2023. Khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ một động lực chính: Chi tiêu của người tiêu dùng - yếu tố đóng góp lớn nhất cho sự bùng nổ của nền kinh tế trong quý III-2023, chiếm hơn một nửa mức tăng hằng năm.

Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng việc làm đã thúc đẩy chi tiêu. Trong kỳ báo cáo này, người Mỹ tiêu dùng mạnh cả về hàng hóa và dịch vụ. Việc người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao là một dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất ngày càng thắt chặt và lạm phát còn cao. Mặc dù, tốc độ tăng lương đã chậm lại nhưng vẫn tăng nhanh hơn lạm phát, nâng cao sức mua của các hộ gia đình. Vì vậy, căn cứ lớn nhất để nhận định FED sẽ giữ nguyên lãi suất là tình hình lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (loại trừ các yếu tố dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) - một thước đo lạm phát ưa thích của FED đã tăng 3,7% trong tháng 9, giảm nhẹ so với mức tăng 3,8% vào tháng 8. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số PCE lõi ở dưới mức 4%, cho thấy việc kiểm soát lạm phát đang đi đúng hướng.

Giáo sư Brian Bethune, Đại học Boston nhận định trên Reuters: “Nền kinh tế không chỉ có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc mà còn đạt được mức tăng trưởng dựa trên năng suất trong hai quý liên tiếp vào năm 2023, có nghĩa là chu kỳ kinh doanh vẫn rất vững chắc”.

Kể từ tháng 3-2022, FED đã nâng lãi suất 11 lần và giữ nguyên lãi suất 2 lần, bao gồm cả lần tạm dừng vào tháng 9. Hơn một năm rưỡi qua, Ngân hàng Trung ương đã cố gắng kiềm chế lạm phát bằng lãi suất cao hơn nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định, thậm chí đạt được sự phục hồi đáng chú ý. Tỷ lệ lạm phát hằng năm đã giảm xuống 3,7% từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6-2022 và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 50 năm. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi báo cáo GDP quý III-2023 là một bằng chứng về sự vững vàng của nền kinh tế nhưng bà cũng đồng tình với quan điểm của nhiều nhà kinh tế học cho rằng, tăng trưởng có thể giảm tốc trong thời gian tới.

Các nhà kinh tế cho rằng, khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Lãi suất vẫn ở mức cao và có khả năng sẽ như vậy khi FED tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Đông cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa vào tháng tới. Tăng trưởng cũng có thể chậm lại trong quý IV-2023 do các cuộc đình công trong ngành ô tô và hàng triệu người Mỹ nối lại việc trả khoản vay sinh viên. Đà tăng giá dầu, tác động tới túi tiền của mọi hộ gia đình là một trong số nhiều chỉ báo cho thấy suy thoái sẽ ập tới. Giá dầu đã tăng khoảng 25 USD trong vài tháng qua, có thời điểm chạm mốc 95 USD/thùng. Do vậy, khả năng FED có thêm lần tăng lãi suất thứ 12 trong chu kỳ thắt chặt này vẫn chưa được loại trừ và nếu có, đợt tăng đó có thể diễn ra trong tháng 12. Ngoài ra, FED chủ trương giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho tới khi thực sự đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn lạc quan nhận định, Mỹ đã loại bỏ các mối đe dọa trước đây đối với nền kinh tế, vốn tăng trưởng 2,1% từ tháng 4 đến tháng 6 và đang tăng tốc cao hơn nhiều so với mức mà các quan chức FED coi là tốc độ tăng trưởng phi lạm phát. Tuy áp lực lạm phát vẫn hiện hữu cùng một loạt "cơn gió ngược", song hầu hết các nhà kinh tế đã sửa đổi dự báo và tin rằng FED có thể thiết kế một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.