Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự đồng thuận khó khăn

Vân Khanh| 13/02/2012 06:43

Một tuần thảo luận căng thẳng của Chính phủ Hy Lạp đã kết thúc bằng một thỏa thuận làm hài lòng những nhà tài trợ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Không chỉ đơn thuần là cắt giảm 15.000 việc làm khu vực công, giảm thêm 22% mức lương tối thiểu, thỏa thuận cứu trợ nợ mà chính phủ của Thủ tướng Lucas Papademos vừa có được cũng mở đường cho các cuộc đàm phán hoán đổi và giảm nợ với các chủ nợ tư nhân. Kỳ vọng những chủ nợ đồng ý giảm tới 70% số tiền mà Athens đã vay mượn là một phần trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp, sự chia sẻ hào phóng của những chủ nợ được cho là một quyết định sống còn với Athens.

Người dân Hy Lạp xuống đường phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.


Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của EU và IMF và đây đã trở thành vấn đề quá nhạy cảm tại Hy Lạp. Việc buộc phải làm quen với "cái nghèo" thời gian qua đã thổi bùng những tranh luận dữ dội giữa các chính đảng. Tuy nhiên, một sự thật rằng, đất nước của các vị thần không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu như không có các khoản tài chính từ gói hỗ trợ 130 tỷ euro, ngày 20-3 tới đây rất có thể sẽ đi vào lịch sử Hy Lạp và Châu Âu như một ngày đen tối nhất khi Athens không còn khả năng chi trả các khoản nợ đến kỳ đáo hạn. Kịch bản vỡ nợ xảy đến không chỉ là dấu chấm hết với sự ổn định ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải mà cũng là chỉ báo tồi tệ đối với sự tồn vong của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Mặc dù có thể coi Hy Lạp đang nắm giữ vận mệnh của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới, song các nhà tài trợ quốc tế cũng không thể rót tiền vào "chiếc túi thủng" này chừng nào chưa nhận được phản hồi mang tính bảo lãnh từ Athens trong bối cảnh cuộc giải cứu và "tái thiết" xứ Thần thoại đã và đang trở thành thử thách lớn nhất cũng như hình mẫu tiêu biểu nhất cho cuộc vượt thoát khủng hoảng nợ tại Châu Âu. Thông điệp rõ ràng đã được nhiều lần khẳng định, không tiếp tục giảm chi, sẽ không có ngân khoản tiếp theo. Sự cứng rắn của EU và IMF phần nào giải tỏa được những quan ngại về tâm lý ỷ lại của Hy Lạp cũng như các quốc gia đang phải sống nhờ các gói cứu trợ khác; đồng thời nằm trong chính sách kinh tế giúp những "bệnh nhân nợ mạn tính" dần hồi phục nền kinh tế.

Thế nhưng, sự cắt bỏ việc làm của hàng chục ngàn nhân công trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp đã vọt lên đến con số kỷ lục 20,9% không dễ nhận được sự cảm thông của những người lao động vốn đặt cược cả cuộc đời vào đồng lương. Sau một thời gian lắng dịu, các cuộc biểu tình, đình công chống cắt lương, giảm lao động đã bùng lên khắp Hy Lạp như một vấn đề xã hội nóng bỏng và nhức nhối nhất. Với 1,029 triệu người không công ăn việc làm giữa lúc sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 11-2011 lại giảm thêm 11,3% so với cùng kỳ năm trước, chính phủ của Thủ tướng Lucas Papademos đang đứng trước một bài toán khó có lời giải để tìm kiếm sự cân bằng giữa thắt chặt chi tiêu và ổn định xã hội.

Rõ ràng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy một phần gói hỗ trợ trị giá 110 tỷ euro năm ngoái đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế và đầu tư tại xứ Thần thoại. Hy Lạp đang trải qua năm thứ năm suy thoái liên tiếp với số doanh nghiệp phá sản cao chưa từng thấy như tác dụng phụ của chính sách thắt chặt hầu bao. Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ vào khoảng 113%/GDP trên nền tảng một nền kinh tế cạnh tranh rất yếu, giảm chi là giải pháp duy nhất Athens phải chọn để có thể tồn tại trước khi bước ra khỏi vũng lầy nợ công. Sự đồng thuận khó khăn của nội các Hy Lạp về thỏa thuận cứu trợ mới nhất để nhận được sự ủng hộ từ các thể chế tài chính quốc tế là minh chứng cho nhận thức ấy. Dĩ nhiên, đây chưa phải là đích đến cuối cùng; và Hy Lạp cùng Châu Âu còn nhiều việc phải làm để mang niềm tin trở lại tại châu lục phồn hoa này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự đồng thuận khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.