(HNMCT) - Năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn với số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu đúng đặc điểm lây truyền bệnh để chủ động phòng sốt xuất huyết tốt hơn.
Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mùa hè năm nay nhiệt độ trung bình đều cao hơn so với những năm trước, kèm theo những đợt mưa rải rác, dẫn đến véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) phát triển mạnh. Thêm vào đó, thói quen trữ nước của người dân chưa có nhiều thay đổi; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy. Ngoài ra, ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân chưa cao, nhiều người chưa thật sự hợp tác với cơ quan chức năng trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, nhất là chưa chủ động diệt bọ gậy thường xuyên.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lưu ý, về đặc điểm dịch tễ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước. Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao thì nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Bên cạnh đó, trước đây số ca mắc chủ yếu là trẻ em thì nay cả trẻ em và người lớn đều mắc. Những trường hợp tử vong, phần lớn là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như tiểu đường, bệnh tuyến giáp... hay phụ nữ có thai, khiến bệnh thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm.
Tiêu diệt đường sinh sản của muỗi
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, muỗi vằn Ades aegypti là véc tơ chính trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết rõ những đặc điểm sinh sống, hoạt động của loài muỗi này có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết như thế nào. Vì vậy, vấn đề phòng chống căn bệnh này còn rất hạn chế, thậm chí khiến dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm vẫn cứ “đến hẹn lại lên”, khó ngăn chặn và kiểm soát một cách triệt để.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý, đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng tìm mồi suốt ngày nhưng thường hoạt động tích cực vào sáng sớm và chập choạng tối, chỉ đậu nghỉ khi đã no hoặc vào ban đêm. Loài muỗi này rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn quan sát chỗ người lớn lao động hay trẻ em sinh hoạt vui chơi. Khi có thời cơ, chúng sẵn sàng đáp xuống, đậu lên chỗ da hở và hút máu ngay rồi bay đi rất nhanh chứ không rình mồi, không gây mê da khi đốt như nhiều loại muỗi khác. Muỗi sốt xuất huyết chỉ đẻ ở các vật chứa nước có sẵn trong nhà và xung quanh nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40%/ngày (làm nước ấm). Vì thế, để tiêu diệt và chặn đứng đường sinh sản của muỗi thì việc làm đầu tiên là phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để muỗi không có nơi sống và sinh sản.
Không được tự ý điều trị
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp (type) được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, cho nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí có thể mắc đến lần thứ 4. Và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu vẫn là diệt muỗi và diệt bọ gậy với tinh thần “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền các địa phương, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này.
Trước tiên, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo, sốt xuất huyết ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Khi đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 30-6, cả nước ghi nhận gần 88.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 3,1 lần, riêng tại Hà Nội số ca mắc từ đầu năm đến nay là hơn 1.000 trường hợp tại 23 quận, huyện, thị xã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.