Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm giải bài toán đơn giản hóa thủ tục hành chính

Mai Lâm| 14/05/2023 06:37

(HNMCT) - Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dù đã được hỗ trợ, tăng cường đăng kiểm viên tại các điểm nóng nhưng tình trạng “ùn tắc đăng kiểm" vẫn diễn ra khá phức tạp. Được biết, tổng số phương tiện cần kiểm định trong 6 tháng tới là khoảng 2,5 triệu xe. Áp lực kiểm định đang đè nặng không chỉ với chủ phương tiện mà cả với lực lượng đăng kiểm.

Vậy nhưng, cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, có một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tự ý đưa ra các yêu cầu không đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, và Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 22-3-2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT. Có đơn vị đăng kiểm chưa chủ động áp dụng linh hoạt việc đặt lịch hẹn kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số thứ tự; xuất hiện hành vi tiêu cực trong việc bố trí thứ tự đăng kiểm...

Trước tình hình đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn với nội dung: Nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên và nhân viên đăng kiểm không được tự ý đưa ra yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật, lợi dụng lúc khó khăn, ùn tắc để sách nhiễu, trục lợi; nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công văn cũng đưa ra yêu cầu các đơn vị phải bố trí nhân viên nghiệp vụ chuyên trách để thực hiện thủ tục tiếp nhận đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.

Các đơn vị cần chủ động vận dụng linh hoạt, khoa học, sáng tạo trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), dây chuyền kiểm tra nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, nâng cao năng suất lao động; tổ chức thực hiện việc đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định (thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số trực tiếp). Tuyệt đối không để chủ phương tiện xếp hàng chờ đợi tại khu vực đơn vị đăng kiểm không đúng khung thời gian đã đăng ký (đề nghị chủ phương tiện để xe tại nhà, cơ quan... và đến đúng khung giờ đã đặt lịch) nhằm tránh tình trạng ùn tắc, tránh việc "cò xe" lợi dụng chen ngang gây mất trật tự và có hành vi tiêu cực...

Đó là hành động cần thiết, kịp thời. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân không chỉ giúp giảm công sức, chi phí mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo sớm thực hiện việc tự động giãn chu kỳ đăng kiểm theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải mà không phải đưa xe đến kiểm định lại.

Được biết, nếu áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định nói trên thì có thể giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm trong khoảng hơn 1 tháng tính từ thời điểm áp dụng, thay vì phải mất tới 6 tháng để kiểm định hết cho 2,5 triệu phương tiện bởi năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ vào khoảng 550.000 phương tiện/tháng.

Thực hiện sớm, thực hiện tốt chủ trương này chính là hành động thiết thực hiện thực hóa tinh thần Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm giải bài toán đơn giản hóa thủ tục hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.