Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng cho mùa lễ hội văn minh

Nguyễn Thanh| 29/01/2020 07:08

(HNM) - Ngày 30-1 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sẽ tưng bừng khai hội. Những ngày qua, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội an toàn, văn minh đã được hoàn tất, với tâm thế chủ động, trách nhiệm, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Nghi thức rước kiệu truyền thống tại Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).

Chủ động “đi trước” lễ hội

Đến hẹn lại lên, mùa lễ hội xuân trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội diễn ra sau dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, từ nhiều tháng trước đó, công tác chuẩn bị đã được các địa phương khởi động nhằm bảo đảm chu toàn khâu tổ chức cũng như lường trước những vấn đề có thể phát sinh. Có thể kể đến lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) năm nay gắn với sự kiện quan trọng là Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2020), nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội được lên kế hoạch từ rất sớm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì. Đơn vị triển khai, thực hiện là UBND huyện Mê Linh, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

“Trước Tết Nguyên đán, mọi phần việc chuẩn bị cho lễ hội đền Hai Bà Trưng, từ chương trình dâng hương tế lễ, các hoạt động văn hóa giải trí… đến phương án phân luồng giao thông, điểm trông giữ xe, đều đã được cắt đặt gọn ghẽ. Do tính chất năm chẵn, lượng người trẩy hội dự báo sẽ tăng cao, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường lực lượng an ninh kiểm tra, giám sát, không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình..., ảnh hưởng đến tính chất, ý nghĩa của lễ hội”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Cùng tâm thế “đi trước” lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2020 chủ động triển khai kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội từ nhiều tháng trước, trong đó tập trung các giải pháp cho vấn đề an ninh, an toàn để du khách thuận lợi hành hương, vãng cảnh. Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển thông tin: “Năm nay, lực lượng ứng trực tăng cường tới 20 người/tổ, nhóm, thường xuyên tuần tra các điểm trọng yếu, như: Dọc suối Yến, đường lên chùa, động…, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kinh doanh không đúng vị trí quy hoạch, những trường hợp chèo kéo, nhũng nhiễu, lừa đảo khách... 100% xuồng, đò được rà soát, kiểm tra chất lượng trước khi hoạt động. Các chủ phương tiện cũng được tập huấn kỹ năng, đồng thời ký cam kết về phương tiện bảo hộ, không gắn động cơ và chở đúng số người quy định…”.

Nói không với bạo lực, phản cảm…

Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2020 đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách hành hương.

Chủ động “đi trước” lễ hội không chỉ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người đi hội mà còn vì mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy giáo dục truyền thống lịch sử, khích lệ cộng đồng hướng tới “chân - thiện - mỹ”. Với mục tiêu này, lễ hội đền Cổ Loa năm nay, bên cạnh nghi lễ rước kiệu bát xã truyền thống, phần hội sẽ làm đậm với nhiều trải nghiệm đặc sắc cho du khách, như: Biểu diễn rối nước, hát quan họ, trình diễn thư pháp, thi đấu cờ người, bắn nỏ, bóng chuyền, các trò chơi dân gian ném còn, đu tiên… Lễ hội đền Sóc tiếp tục thay thế tục tán lộc bằng hình thức phát lộc dưới sự kiểm soát của Ban tổ chức, đồng thời không gian tổ chức lễ hội được cải tạo, mở rộng và tăng cường hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nhằm giảm tải cho khu vực hành lễ, ngăn chặn phát sinh bạo lực, phản cảm. Ông Trịnh Nhật Nam (thôn Vệ Linh, xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn), chia sẻ: Ban Tổ chức lễ hội tổ chức lực lượng bảo vệ đoàn rước của các thôn. Số lượng giò hoa tre cũng được tăng thêm 300 ngọn so với 1.000 ngọn của lễ hội trước, đáp ứng nhu cầu xin lộc của nhân dân địa phương và du khách.

Không chỉ ban tổ chức các lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng mới chủ động “đi trước”, mùa lễ hội xuân năm nay ghi nhận rất nhiều địa phương rốt ráo, quyết liệt cho việc quản lý và tổ chức lễ hội, nhấn mạnh thực hành nghi lễ truyền thống bảo đảm yếu tố nguyên gốc cũng như trù liệu các vấn đề về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ...

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại diện các địa phương, đặc biệt là những nơi có lễ hội lớn, lễ hội tiềm ẩn nguy cơ biến tướng, phát sinh bạo lực, phản cảm bàn biện pháp tổ chức phù hợp, đồng thời đề ra phương án cho những vấn đề có thể phát sinh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền khẳng định: Cơ quan quản lý kiên quyết nói không với hành vi bạo lực, phản cảm, gây biến tướng lễ hội cũng như những lễ hội không phải lễ hội truyền thống. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động, cụ thể cho vấn đề này, công tác phân cấp tổ chức và quản lý lễ hội cũng cần được thực hiện rõ ràng, bài bản, để kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm. “Ngoài ra, những vấn đề tiêu cực, những hoạt động khơi dậy lòng tham, như: Tranh cướp lộc, đốt vàng mã quá nhiều… cũng cần được loại bỏ để trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Mùa lễ hội đã bắt đầu. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương được thực thi nghiêm túc, mỗi người dân tham gia lễ hội đề cao ý thức, trách nhiệm vì cái chung, vì cộng đồng. Được như vậy, mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng hấp dẫn cho du khách trong dịp đầu Xuân Canh Tý 2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho mùa lễ hội văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.