(HNMCT) - Năm 2020, Nhà hát Kịch Hà Nội bước sang năm lịch sử thứ 61 và không khó để nhận ra họ đang nỗ lực để thổi bùng ngọn lửa được duy trì bền bỉ 60 năm qua, "cháy" hết mình để biến nghệ thuật trở thành nguồn năng lượng cho đời sống... Và nhà hát cũng là điểm sáng của sân khấu Hà Nội năm qua.
“Thắp lửa” chống dịch
Tháng 4-2020, giữa những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, toàn thành phố thực hiện cách ly xã hội, khi tôi gọi điện hỏi thăm tình hình, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội hào hứng khoe “Nhà hát đang làm một chương trình rất hay để động viên mọi người chống dịch”.
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau, clip ca nhạc Thank for all ra đời đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những ca từ đầy cảm xúc: “Chống Covid bạn ơi, những con người vì ta muôn nơi.../ Hãy vững tin bạn ơi, ta cùng đi tới tương lai.../ Cảm ơn đời vì những yêu thương, cảm ơn người những trái tim Việt Nam” qua sự thể hiện của những diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Kịch Hà Nội đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng.
NSND Trung Hiếu kể: “Trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, hoạt động của các nhà hát đều bị dừng lại, anh em nghệ sĩ cũng bị cách ly nên tôi có ý tưởng tạo một sân chơi cho anh em, đó là tổ chức cuộc thi “Nhà hát Kịch Hà Nội - Hát át dịch Covid-19”. Tất cả cán bộ, diễn viên đều tham dự với hình thức thi online, tự quay rồi gửi bài thi cho ban giám khảo”. Từ kết quả cuộc thi này, clip đã ra đời; từ khâu chọn bài, viết lời mới, tổ chức ghi hình và dựng chỉ trong vòng mấy ngày dù việc ghi hình trong bối cảnh giãn cách xã hội cực kỳ vất vả. Sở dĩ tác phẩm được đón nhận nhiệt tình bởi “Hát át dịch Covid-19” đã nói đúng tinh thần lạc quan của người Hà Nội và nói thay tiếng lòng biết ơn của mỗi người dân đối với những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Nhà hát còn vận động quyên góp 109 triệu đồng để giúp đỡ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, và quyên góp ủng hộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội 1 tấn gạo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Tháng 10-2020, Nhà hát Kịch Hà Nội vinh dự nhận Kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng tại Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”.
“Thắp lửa” sân khấu
Những khó khăn của sân khấu Hà Nội và cả ngành giải trí trong năm qua là điều mà ai cũng có thể hình dung. Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có những ngày “nín thở nằm chờ” trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ Thủ đô vẫn rất đáng khâm phục.
NSND Trung Hiếu cho biết: Trong năm 2020, nhà hát đã gặt hái được nhiều thành công về chuyên môn. Ngay khi dịch tạm lắng, các nghệ sĩ lập tức bắt tay dàn dựng vở. Dù thời gian dàn dựng cũng như điều kiện dàn dựng không được như các năm trước song điều đó càng khiến các nghệ sĩ thêm quyết tâm.
Đầu năm, vở diễn Hà thành chính khí của tác giả Phùng Nguyễn, do NSND Trung Hiếu đạo diễn đã đạt giải B “Giải thưởng tác phẩm nghệ thuật năm 2019” của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nghệ sĩ Tiến Lộc được trao giải Diễn viên kịch nói xuất sắc (vai Hoàng Diệu).
Tháng 8-2020, vở Kẻ trộm - tác giả Lê Quý Hiền; đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thu Hạnh - giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân lần thứ IV - 2020. Vở diễn cũng mang về Huy chương Vàng cá nhân cho nghệ sĩ Thanh Tùng và Thiện Tùng, Huy chương Bạc cá nhân cho các nghệ sĩ Ngọc Quỳnh, Chí Nhân, Thùy Linh, Diệu Linh.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10-2020, vở Trương Chi - Mỵ Nương của tác giả, đạo diễn NSƯT Phùng Tiến Minh được chọn diễn khai mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020 và mang về Huy chương Bạc cho vở diễn cùng 2 Huy chương Vàng cho nghệ sĩ Thiện Tùng và Ngọc Quỳnh, 2 Huy chương Bạc cho NSƯT Quang Thắng và Thùy Dương. Vở diễn được đánh giá có nhiều thử nghiệm khi kết hợp cả ca múa nhạc và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại trên nền tích truyện dân gian, mang đến những khoảng lặng trữ tình, sâu lắng, giàu cảm xúc.
Tháng 11-2020, thực hiện nhiệm vụ do Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao, nhà hát đã dàn dựng, biểu diễn thành công chương trình truyền hình trực tiếp nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất nhà giáo Chu Văn An (1370 - 2020) với vở diễn Quốc tử tư nghiệp Chu Văn An do NSND Trung Hiếu đạo diễn.
Tháng 12 vừa qua, tin vui lại đến từ các nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Trương Hoàng, nghệ sĩ Tố Uyên đoạt Huy chương Vàng, nghệ sĩ Xuân Thanh và nghệ sĩ Thu Huyền giành Huy chương Bạc tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc năm 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức...
Sự công nhận của khán giả và giới chuyên môn chính là lời khẳng định cho những đóng góp của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đối với sân khấu Thủ đô nói riêng và nền kịch nghệ nước nhà nói chung.
Ngoài gặt hái thành công với những vở diễn “nặng ký” cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện, các nghệ sĩ của nhà hát còn tổ chức nhiều hoạt động để đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng. Câu lạc bộ kịch thiếu nhi “Những mầm xanh” được xây dựng với mục đích “Gieo mầm nghệ thuật, thắp sáng tài năng” đã giúp đông đảo học sinh Thủ đô tiếp cận, tìm hiểu và thêm yêu nghệ thuật kịch nói, qua đó khơi gợi, định hướng và phát triển năng khiếu nghệ thuật của thế hệ tương lai đất nước đồng thời tạo nguồn khán giả tương lai cho sân khấu. Tháng 7-2020, sân khấu kịch Quảng Lạc chính thức ra mắt khán giả Thủ đô, trở thành điểm nhấn văn hóa nghệ thuật trên tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần, góp phần đưa sân khấu kịch nói đến gần hơn với khán giả Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.