(HNMCT) - Những năm gần đây, sách giả, sách lậu đã trở thành một thách thức làm đau đầu các nhà quản lý. Không chỉ ở các nước nghèo mà ngay cả ở những nước phát triển, tình trạng in ấn, mua bán sách trái phép vẫn đang ngày ngày diễn ra.
Nhức nhối sách giả, sách lậu
Theo thống kê các nhà chức trách Mỹ mới đưa ra, hằng năm, các nhà xuất bản nước này có thể thiệt hại từ 80 đến 100 triệu USD vì tình trạng sách lậu, sách giả. Từ sách in cho tới sách điện tử, tất cả đều có thể bị đánh cắp bản quyền chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hành. Trong khi đó, tại Anh, Văn phòng Sở hữu trí tuệ của chính phủ nước này ước tính, có khoảng 17% sách điện tử được tiêu thụ bất hợp pháp. Thậm chí nhiều người còn lên mạng xã hội để hỏi lời khuyên khi trang web vi phạm bản quyền mà họ thường xuyên vào đọc sách bị đóng cửa.
Những người đọc này luôn biện minh cho hành động không đúng của mình bằng hoàn cảnh như quá nghèo để mua sách hoặc khu vực họ cư trú thiếu thư viện... Một độc giả có tên Abena cho rằng có thể lên Internet tải bất cứ cuốn sách nào trong vòng 30 giây và cô chỉ là một trong số hàng triệu người sử dụng các trang web vi phạm bản quyền sách để tải xuống một cách bất hợp pháp tác phẩm của các tác giả mà họ yêu thích. Dù Abena biết việc mình làm là sai, tuy nhiên vì mẹ cô không thể chi trả cho những cuốn sách mà con gái mong muốn có được, nên Abena buộc phải làm vậy.
Tại Nga, mới đây, lực lượng cảnh sát St.Petersburg đã thu giữ hơn 160.000 sách giáo khoa giả với giá trị khi được tiêu thụ trên thị trường vào khoảng 12 triệu rubles (177.360 USD). Platon Romanov, giám đốc một nhà sách ở thành phố này cho biết, sách giáo khoa đặc biệt hấp dẫn với dân làm sách giả, sách lậu vì một cuốn truyện hay sách thông thường có thể chỉ phát hành được 3.000 bản nhưng một cuốn sách giáo khoa có thể bán được hàng trăm ngàn bản.
Theo phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev, mỗi năm giá trị số sách lậu được tiêu thụ ở nước này có thể lên tới hàng trăm triệu rubles. Thậm chí nhiều đối tượng phạm tội còn câu kết với các nhà xuất bản để có thể in lậu sách với số lượng lớn. Số sách này sau đó sẽ được mang bán ở các tỉnh với giá thấp hơn 20 - 30% so với bản hợp pháp. Rất khó thống kê số lượng đầu sách đang bị in lậu tại Nga.
Ngay như cuốn Harry Potter, tác phẩm nổi tiếng của nữ nhà văn Anh J.K.Rowling, cũng có số lượng in lậu lên tới hàng ngàn bản trong năm 2018 dù tập cuối cùng của loạt truyện này ra đời từ cách đây 11 năm. Điều đáng nói là, có rất ít độc giả quan tâm tới việc cuốn sách họ mua có bản quyền hay không, chỉ cần đọc được và giá cả hợp lý là sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
“Cuộc chiến” gian nan
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật Bản quyền và quyền của tác giả từ rất lâu. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tới nay, đã có 157 quốc gia tham gia Công ước Berne, một văn kiện được ký tại Thụy Sĩ năm 1886 nhằm thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Để nâng cao nhận thức của người đọc đối với công sức lao động của các tác giả, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris năm 1995, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23-4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới”. Tuy nhiên, đến nay, “cuộc chiến” với sách giả, sách lậu vẫn vô cùng gian nan.
Ông Atsushi Ito, Phụ trách Pháp chế, Nhà xuất bản Shueisha (Nhật Bản) cho biết, trong thời đại công nghệ số, việc vi phạm bản quyền trở nên đơn giản. Ai cũng có thể dễ dàng làm bản lậu để kiếm lời. Có những hành vi vi phạm bản quyền mà nhiều người không ý thức đó là vi phạm như chụp ảnh những trang truyện, sách, đăng tải lên trang cá nhân. Dịch vụ này ai cũng có thể sử dụng nên thiệt hại cho các tác giả, đơn vị sở hữu tác phẩm ngày càng lớn. Vì vậy việc nâng cao nhận thức của người đọc là cần thiết.
Cùng quan điểm với ông Atsushi Ito, nữ nhà văn nổi tiếng người Mỹ Rachelle Gardner cho biết, có những độc giả đã gửi thư cho bà nói rằng, việc người đọc dễ dàng tiếp cận với sách, kể cả những cuốn sách giả, sách lậu sẽ tạo điều kiện cho các tác giả được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, họ không biết rằng hầu hết các tác giả sách đều không muốn được “giúp đỡ” theo cách như vậy.
Chia sẻ về các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách, ông Akihiko Noda, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản cho biết, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đều phải đối mặt với tình trạng lan tràn các ấn phẩm lậu, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, ai cũng sẵn có một thiết bị thông minh trong tay.
Tại Nhật Bản, Luật Bản quyền hướng đến mục đích cung cấp quyền của tác giả và các quyền liên quan đến các công việc như biểu diễn, ghi âm, chương trình phát sóng và phát thông qua hệ thống cáp để bảo vệ sở hữu trí tuệ của các tác giả và thúc đẩy khai thác một cách công bằng, đúng đắn các tác phẩm này. Ở Nhật Bản, mỗi hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, khi bị phát hiện đều bị xử phạt rất nặng.
Mục đích của pháp luật bảo hộ bản quyền là nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa thì hành vi xâm phạm đương nhiên đã kìm hãm sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo ông Noda, bắt giữ và xử phạt những người làm sách lậu có hai tác dụng: Ngăn chặn được việc làm lậu và người dùng/độc giả sẽ nhận ra việc sử dụng bản lậu là sai.
Để gia tăng hiệu quả trong “cuộc chiến” chống nạn sách lậu này, ngoài những biện pháp kể trên, các quốc gia cần có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, qua đó hình thành một kênh thông tin để có thể nhanh chóng thông báo, phản ánh về các tác phẩm đang bị vi phạm bản quyền. Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang bùng nổ, xuất hiện vô vàn các cách thức xâm phạm quyền tác giả, phân phối tác phẩm dưới hình thức lậu xuyên biên giới, các nhà quản lý cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm tạo động lực để các tác giả tiếp tục sáng tạo, cho ra đời thêm nhiều tác phẩm chất lượng cho bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.