“Cuộc chiến” với sách giả, sách lậu trong ngành Xuất bản chưa bao giờ ngừng nghỉ. Tình trạng in lậu, làm sách giả ngày càng gia tăng, tác động xấu đến hoạt động xuất bản và sự tiếp cận tri thức của người dân, cũng như mục tiêu phát triển văn hóa đọc.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đơn vị hoạt động xuất bản, phát hành thời gian qua vẫn chưa đủ, mà cần sự chung tay hành động quyết liệt từ độc giả.
Ảnh hưởng tới văn hóa đọc
Chia sẻ về vấn nạn sách giả, sách lậu, ông Hoàng Anh Hào, đại diện Nhà Xuất bản Trẻ kể câu chuyện, trong buổi ký tặng sách mới đây tại Hà Nội, nhà văn “ăn khách” hàng đầu Việt Nam Nguyễn Nhật Ánh đã sững sờ trước chồng sách một bạn đọc nhỏ tuổi mang tới để được ký tặng, khi nhận thấy đó đều là sách giả. Dù độc giả này đến sớm, xếp hàng mấy tiếng đầy háo hức để được gặp gỡ nhà văn nhưng tác giả “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” vẫn quyết định không ký vào những cuốn sách ấy. Đầy tâm trạng và trăn trở, ông đã trao đổi với Ban Tổ chức và đại diện Nhà Xuất bản Trẻ đã quyết định tặng độc giả nhí đó một cuốn sách thật để nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng...
Do có nhu cầu mua sách tham khảo trong quá trình học tập, em Lê Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Thương mại cho biết em đã tìm đến một hiệu sách trên phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Không những tìm được cuốn sách đúng nhu cầu, em còn thấy nhiều cuốn sách, bộ sách nổi tiếng như “Harry Potter”, “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, “Kính vạn hoa”… mới tinh bọc trong giấy bóng, được nhân viên báo giá rẻ chỉ bằng 30%-50% so với giá bìa. Về nhà, lật những cuốn sách này, em mới phát hiện đây là sách giả. Các hàng chữ lệch, nhiều trang chữ bị nhòe, giấy cong vênh, chỉ giở vài lần là các trang rời khỏi gáy sách…
Hiện sách giả, sách lậu đang được bán công khai trên không gian mạng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và giáo dục Tân Việt (Tân Việt Books) Nguyễn Kim Thoa cho hay, khi phát hiện một số trang mạng xã hội rao bán sách của Tân Việt Books với mức giá rất rẻ, sử dụng toàn bộ video, hình ảnh giới thiệu của đơn vị để quảng cáo bán hàng, đơn vị đã thử liên hệ mua. Kết quả, các cuốn đều là sách in trái phép. So với bản chuẩn, những cuốn này chất lượng kém, giấy in mỏng, chữ nhòe nét, mất chữ, màu sắc nhạt, thiếu trang, xộc xệch…
Việc sử dụng sách giả, sách lậu ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, bởi đọc sách kém về hình thức, chất lượng, ảnh hưởng tới thị lực, tinh thần, thông tin, kiến thức thu nhận được lệch lạc, không chính xác, dẫn đến những kết quả sai khi vận dụng kiến thức sai. Tiến sĩ Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, việc mua bán và sử dụng sách giả, sách lậu còn phá vỡ hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, doanh nghiệp làm sách chính thống, gây tổn hại đến uy tín của ngành Xuất bản, giảm sức hút của sách với độc giả, cản trở việc phát triển văn hóa đọc.
Trông vào sự chung tay của độc giả
Hiện nhiều người mua và sử dụng sách giả, sách lậu bởi tâm lý ham sách giá rẻ, sách được chiết khấu cao hoặc do điều kiện chi trả cho việc mua sách thấp; thiếu quan tâm đến vấn đề bản quyền; không muốn lựa chọn những tài liệu có nguồn gốc rõ ràng, thông tin chính xác và phải trả phí, mà chọn tài liệu được đọc, tải miễn phí. Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử Waka Đinh Quang Hoàng nêu thực tế, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều sách giả được làm với chất lượng gần tương đương với sách thật, nhất là sách điện tử, rất khó phân biệt. Vì thế, độc giả dễ lựa chọn sách lậu, sách giả với chi phí rẻ và cho rằng đó là việc tiêu dùng thông minh.
Nếu còn người đọc sử dụng thì “cuộc chiến” với sách giả, sách lậu còn nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, bên cạnh các biện pháp từ phía cơ quan quản lý thì cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có độc giả - người tiêu dùng. Theo đại diện Nhà Xuất bản Trẻ Hoàng Anh Hào, bạn đọc cần tỉnh táo lựa chọn sách thật, kiên quyết nói không với sách lậu, sách giả, hình thành thói quen nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi phát hiện sách lậu, sách giả, bạn đọc cần chủ động cung cấp thông tin để cơ quan chức năng kịp thời xử lý; trường hợp nghiêm trọng có thể tố cáo, kiện ra tòa những kẻ làm sách lậu, sách giả.
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam Nguyễn Hoài Phương đề xuất thành lập chuyên trang chống sách lậu, sách giả - nơi tuyên truyền về ý thức bảo vệ bản quyền cho độc giả, đồng thời là nơi để tập trung, phổ biến các thông tin sách mới, phơi bày hiện tượng, sự việc sách giả, sách lậu. Từ đó, độc giả thường xuyên truy cập, tham khảo thông tin cho mình.
Những cuốn sách giả, sách lậu đang dần “giết chết” sách thật, tàn phá thị trường kinh doanh lành mạnh, gây mất niềm tin, hứng thú của người đọc, ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Mỗi độc giả tự ý thức và có trách nhiệm sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.