(HNM) - Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước sóng gió mới khi Washington vừa áp lệnh trừng phạt 2 quan chức của Ankara là Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu do liên quan đến vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson. Sự kiện này đang khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thêm nhiều sóng gió.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson đang khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều sóng gió. |
Linh mục A.Brunson, 50 tuổi, bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ 2 năm trước với tội danh làm gián điệp và phải đối mặt với mức án 35 năm tù nếu bị buộc tội. Ngoài ra, linh mục A.Brunson bị chính quyền Ankara nghi ngờ có mối liên hệ với đảng Công nhân người Kurd và Tổ chức khủng bố Fethullah (FETO) của Giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, từng bị cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016. Mặc dù hai bên vẫn đang đàm phán về vấn đề phóng thích ông A.Brunson, nhưng Washington đã sẵn sàng đưa ra những biện pháp cứng rắn chưa từng có nhằm vào Ankara.
Theo các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, mọi tài sản của Bộ trưởng Tư pháp A.Gul và Bộ trưởng Nội vụ S.Soylu trên đất Mỹ sẽ bị phong tỏa. Đồng thời, Washington cấm các cá nhân nước này thực hiện các hoạt động giao dịch với hai nhân vật trên. Động thái này đã làm bùng phát phản ứng dữ dội từ chính quyền Ankara. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết đáp trả các động thái của Mỹ, cho rằng quyết định của Washington đã đi ngược lại mối quan hệ song phương, làm tổn hại những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.
Tuy nhiên, có lẽ vụ việc liên quan tới linh mục A.Brunson chỉ là phần nổi trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian gần đây, mối lương duyên giữa hai bên còn bị phủ bóng bởi thương vụ bán các máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 18-6-2018, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ USD, trong đó có điều khoản bổ sung cấm bán máy bay F-35 cho Ankara. Dự luật này cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 26-7.
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua hơn 100 chiến đấu cơ F-35 và đang đàm phán với Washington về việc mua tên lửa Patriot. Tuy nhiên, tháng 12-2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Trong khi Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định này của Ankara thì chính quyền của Tổng thống R.Erdogan khẳng định, việc trang bị hệ thống S-400 là để bảo vệ an ninh quốc gia. Vì thế, quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu bày tỏ thất vọng về việc Mỹ hỗ trợ nhóm vũ trang người Kurd (YPG) ở Syria. Bởi mục tiêu hàng đầu của Ankara ở Syria là ngăn chặn YPG thành lập vùng tự trị người Kurd ngay sát biên giới với nước này.
Dẫu vậy, về phương diện chiến lược, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần tới nhau. Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nằm tại vị trí gần như là cửa ngõ Đông - Tây. Hai quốc gia này có lịch sử hợp tác quân sự lâu đời. Căn cứ không quân Incirlik tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm trọng yếu bên sườn phía Nam của NATO trong hơn nửa thế kỷ qua. Căn cứ này hiện đóng vai trò quan trọng, là nơi đồn trú máy bay chiến đấu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hơn nữa, Washington và Ankara còn gắn bó về thương mại và kinh tế.
Thế nên, dù hai bên khó có thể thu hẹp bất đồng trong “một sớm một chiều”, nhưng các nhà phân tích nhận định, rạn nứt với đồng minh chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ không có lợi cho Mỹ, bởi sẽ làm phức tạp hóa nỗ lực theo đuổi các mục tiêu của xứ Cờ hoa trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.