Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Iran: Hiểm họa từ lệnh trừng phạt mới

Thùy Dương| 07/08/2018 06:19

(HNM) - Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ chính thức khôi phục các lệnh trừng phạt đối với nước này.


Theo đó, phần đầu tiên của các lệnh trừng phạt có hiệu lực từ ngày 6-8, nhằm vào lĩnh vực ô tô, kinh doanh vàng và các kim loại then chốt khác của Iran. Phần thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày 6-11, nhắm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch dựa trên dầu mỏ, với mục đích ngăn chặn việc Iran xuất khẩu "vàng đen" trên thị trường toàn cầu.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran sụt giảm.


Theo Nhà Trắng, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, có biên độ mở rộng và mức độ nghiêm ngặt hơn đối với Iran nhằm tìm kiếm một “sự thay đổi hành vi” của Tehran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra điều kiện về khả năng Washington đảo ngược quyết định trừng phạt Iran nếu Tehran xem xét lại đường lối chính trị của nước này.

Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ký một thỏa thuận khác với nước này nhằm mục đích tối hậu rằng, Tehran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ và xa hơn nữa là đòi hỏi quốc gia Hồi giáo bớt can dự vào Trung Đông, nhất là với đồng minh Israel. Thứ vũ khí mà ông D.Trump muốn sử dụng để buộc Iran phải làm theo yêu cầu của ông là dầu mỏ. Trong suốt những ngày qua, thị trường dầu mỏ thế giới lên xuống thất thường chỉ vì những tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng về việc cấm toàn bộ dầu xuất khẩu của Iran.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Iran chỉ mới đang trên đà phục hồi sau hàng thập kỷ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Dấu hiệu rõ nhất cho thấy tác động của các lệnh trừng phạt này là đồng nội tệ của Iran đã giảm giá mạnh, mất gần 2/3 giá trị kể từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ lạm phát của Iran nhảy vọt lên mức 203%, cao gấp 20 lần so với mức hằng năm chỉ khoảng 10,2%. Nhiều công ty đa quốc gia từng tới Iran để tìm kiếm cơ hội đầu tư cách đây 3 năm nay lại đang rục rịch rời khỏi nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Iran hiện nay không còn giống như Iran của 3 năm về trước khi nước này đang dần lấy lại niềm tin của cộng đồng quốc tế thông qua việc tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Mặc dù Iran có thể sớm nhìn thấy lượng dầu xuất khẩu của mình sụt giảm mạnh từ nay đến cuối năm nhưng châu Âu, Nga và Trung Quốc đã cam kết ủng hộ xuất khẩu dầu của Tehran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Một lý do khác khiến Tổng thống D.Trump khó có thể ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Tehran, đó là nước Cộng hòa Hồi giáo này đang có trong tay vũ khí lợi hại là eo biển chiến lược Hormuz. Với chiều rộng khoảng 40km, eo biển này có một vị trí chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày. Đó là chưa kể Mỹ đang duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của Hạm đội 5.

Chính quyền Tổng thống D.Trump tin rằng việc tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran có thể "bóp nghẹt" nền kinh tế nước này và buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, những biện pháp của Washington khó có thể làm kinh tế Iran lâm vào suy thoái. Ngược lại, động thái này còn làm gia tăng khả năng Tehran thực hiện các bước đi nhằm khôi phục hoạt động trong chương trình hạt nhân bị hạn chế theo JCPOA, đồng thời gây mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu do bất đồng về thỏa thuận đã ký với Iran.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Iran: Hiểm họa từ lệnh trừng phạt mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.