(HNM) -
Ngoại trưởng Costa Rica Enrique Castillo. (Nguồn: Nación) |
Tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Costa Rica cáo buộc Nicaragua mời thầu tìm kiếm và khai thác 73 lô dầu khí tại vùng biển nước này đã khẳng định chủ quyền, với tổng diện tích khoảng 35.000km2, ở cả Thái Bình Dương và biển Caribbean. Người đứng đầu ngành ngoại giao Costa Rica còn cho biết trong những ngày này San Jose đang phối hợp với Colombia và Panama để làm thất bại đề nghị mà Nicaragua trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc hồi tháng 4-2010 với tham vọng mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý hiện nay lên 350 hải lý tại vùng tây nam biển Caribbean. Đáp lại, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cho rằng, Costa Rica thiếu cơ sở để đưa ra cáo buộc, vì khu vực mời thầu được chính ICJ chỉ rõ là của Nicaragua trong phán quyết tranh chấp biển đảo giữa Nicaragua và Colombia mà tòa đưa ra hồi tháng 11-2012.
Những tranh chấp biên giới khiến quan hệ giữa Costa Rica và Nicaragua đang ở thời điểm tồi tệ bậc nhất trong lịch sử hai quốc gia Trung Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp lãnh thổ đã có nguồn cơn từ năm 1858 khi Hiệp ước Canas-Jerez ra đời. Theo đó, Nicaragua là nước có quyền sở hữu sông San Juan. Tuy nhiên, Costa Rica vẫn tiếp tục có quyền sử dụng con sông này vào mục đích giao thương hàng hải. Đến tháng 11-2010, sóng gió ngoại giao giữa hai nước bắt đầu căng thẳng khi Nicaragua mở rộng luồng lạch ở đồng bằng sông San Juan và xây dựng một doanh trại quân đội tại đảo Calero tranh chấp, đặc biệt là tại hòn đảo nhỏ Harbor Head ở phía đông Calero - một vùng đất chỉ rộng 3,2km2 ở biên giới hai nước. Khi đó, Costa Rica đã kiện Nicaragua lên ICJ vì đã chiếm hòn đảo này. Tháng 12-2011, Nicaragua kiện lại Costa Rica với lý do đã cho xây dựng một con đường gần sông San Juan của Nicaragua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy con sông. Thế nhưng, các cuộc khẩu chiến chưa dừng lại ở đó. Năm ngoái, Tổng thống D.Ortega tuyên bố Nicaragua có thể đòi chủ quyền đối với tỉnh Guanacaste đang thuộc sở hữu của Costa Rica. Theo ông, Managua phải nhượng cho San Jose vùng đất này trong bối cảnh Nicaragua phải đương đầu với chính sách bành trướng của Mỹ hồi đầu thế kỷ XIX.
Tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia Trung Mỹ chỉ là một trong những vụ việc điển hình về mâu thuẫn chủ quyền đang gia tăng trong những năm gần đây trên thế giới, như tranh chấp về môi trường giữa Argentina và Uruguay, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia liên quan đến ngôi đền Preah Vihear, đặc biệt căng thẳng ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông… Rõ ràng, khi xu hướng hội nhập ngày càng mở rộng thì vấn đề hợp tác giữa các quốc gia sẽ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm lợi ích cũng tiềm ẩn những bất đồng và xảy ra tranh chấp. Những hồ sơ kiện tụng về tranh chấp lãnh thổ gửi đến ICJ ngày một dày hơn. Đơn cử, khi hai đơn kiện qua lại giữa Costa Rica - Nicaragua còn chưa được giải quyết thì tòa án này lại sắp nhận được đơn kiện thứ ba từ hai quốc gia Trung Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.