(HNM) - Tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5%/năm; sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần… Đó là những kết quả nổi bật sau 10 năm (2008-2018) thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Tuy nhiên, về cơ bản, ngành chăn nuôi vẫn manh mún, thiếu tính gắn kết với thị trường nên sức cạnh tranh chưa mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây hậu quả nghiêm trọng trong 9 tháng qua càng "lộ" những hạn chế cố hữu, như: Cơ cấu sản xuất mất cân đối; các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thiếu và yếu… Việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bên cạnh những cơ hội thuận lợi cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho chăn nuôi Việt Nam khi các sản phẩm nhập khẩu chỉ chịu mức thuế suất 0-5%.
Trước hai vấn đề kể trên, sức ép phải tái cơ cấu một cách bài bản, khoa học để hướng tới một nền chăn nuôi phát triển bền vững, đủ khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng trở nên bức thiết.
Để tạo lập cơ chế cho ngành chăn nuôi phát triển, bên cạnh việc hoàn thiện 2 nghị định, 4 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), Bộ NN&PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn năm 2040. Chiến lược này sẽ là định hướng dài hạn nên Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh việc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường… hoàn thiện hành lang pháp lý. Qua đó, khuyến khích hợp tác công - tư, cắt giảm thủ tục hành chính - nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, đánh giá tác động môi trường... tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở mang sản xuất.
Với các địa phương, điều cần thiết là trên cơ sở thực tế hiện nay, cần rút kinh nghiệm để xây dựng quy hoạch chăn nuôi phù hợp với chiến lược, quy hoạch chung của cả nước, đồng thời tính đến đặc thù địa bàn để hoàn thiện các liên kết chuỗi giá trị. Mô hình thành công của tỉnh Bắc Giang với gà đồi Yên Thế hay thành phố Hà Nội với gà mía Sơn Tây đáng được các địa phương khác học tập, song tránh rập khuôn, sao chép, mà cần cân nhắc phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương mình.
Bên cạnh đó, nên phát triển chăn nuôi theo vùng trọng điểm, tập trung quy mô lớn, xa khu dân cư, để bảo đảm cùng lúc 3 yếu tố: Quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chí của xu hướng tiêu dùng hiện đại (xác định rõ nguồn gốc, bảo đảm hài hòa với môi trường…) và cùng hợp tác, phát triển. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để mỗi địa phương tính toán, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu chăn nuôi.
Về phía bà con nông dân, các hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, cần nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học công nghệ… để tìm hướng phát triển phù hợp, chuyển từ nông hộ quy mô nhỏ sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của nền chăn nuôi hiện đại. Đặc biệt, phải xóa bỏ tư duy ăn xổi, tầm nhìn ngắn hạn. Tránh nóng vội tái đàn bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa được đẩy lùi, dẫn đến lợi bất cập hại; hay việc đổ xô chuyển sang nuôi gia cầm (chủ yếu là gà công nghiệp) dẫn tới tình trạng lượng cung tăng đột biến, “được mùa” nhưng vẫn “mất giá”.
Tái cơ cấu theo hướng công nghiệp, hiện đại sẽ giúp ngành chăn nuôi chuyển từ mô hình ưu tiên số lượng sang chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - tạo dựng thương hiệu. Qua đó, có thể trụ vững trên “sân nhà”, cạnh tranh ở các thị trường Mỹ, châu Âu “khó tính” nhưng mang lại nhiều lợi nhuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.