Nông nghiệp

Tháo nút thắt chăn nuôi thủy sản

Ngọc Quỳnh 10/04/2024 - 07:55

Hà Nội có tổng diện tích mặt nước lên tới 30.800ha, trong đó có khoảng 24.200ha nuôi trồng thủy sản. Dù đã hình thành được một số vùng tập trung theo hướng công nghệ cao, nuôi thâm canh mang lại giá trị cao, song ngành chăn nuôi thủy sản của thành phố vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ để tháo nút thắt, biến thế mạnh, tiềm năng thành kết quả thực tiễn.

thu-hoach-thuy-san-tai-xa-p.jpg
Thu hoạch thủy sản tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang

Chưa xứng với tiềm năng

Hiện tại, Hà Nội đã phát triển các vùng chăn nuôi thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… Tổng sản lượng chăn nuôi thủy sản quý I-2024 đạt khoảng 26.800 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Vũ Đình Trọng ở xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, gia đình ông đã chuyển đổi chăn nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, mà cá lại sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn 1,2 lần so với nuôi thông thường, cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Dù có lợi thế về mặt nước, song chăn nuôi thủy sản của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện tại, vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung năng suất mới đạt hơn 10 tấn/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản truyền thống chỉ đạt 4-5 tấn/ha/năm. Nguyên nhân là còn có nhiều điểm nghẽn.

Cụ thể, nguồn nước cung cấp cho chăn nuôi thủy sản chủ yếu từ các sông lớn, nhưng đều trong tình trạng bị ô nhiễm. Thêm nữa, giá thức ăn cho chăn nuôi thủy sản tăng cao, đầu ra lại bấp bênh. Cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá…, gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng cho biết, toàn thành phố hiện có 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản nhưng đa số nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị chưa cao. Trong khi đó, trình độ của người dân về chăn nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.

“Mạng lưới cộng tác viên trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản chưa thành hệ thống, phương thức hoạt động mang tính nghiệp dư nên việc triển khai cảnh báo cho người nuôi về môi trường, bệnh dịch, các thông tin khác chậm và không đầy đủ, dẫn tới năng suất, chất lượng còn thấp”, ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm.

Tổ chức lại sản xuất

Triển khai Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã tổ chức lại sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản; xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn; phấn đấu đến năm 2030, diện tích chăn nuôi thủy sản đạt 25.000ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000ha, với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm.

Để đạt mục tiêu đề ra và tháo gỡ khó khăn cho các vùng nuôi trồng thủy sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, huyện tiếp tục khuyến khích nông dân áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi thủy sản, như: Công nghệ sông trong ao, biofloc, nuôi thâm canh với cá chép, trắm cỏ, rô phi. Ngoài ra, huyện lồng ghép các chương trình hỗ trợ đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi thủy sản và hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ mở các khóa tập huấn, đào tạo về công tác quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng và quan trắc, cảnh báo môi trường trong chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, ngành sẽ nâng cao công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi thủy sản; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong việc tiêu thụ sản phẩm; rà soát, mở rộng chăn nuôi thủy sản ở các diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình kết hợp cá và lúa hoặc chuyên cá tại các huyện nằm trong quy hoạch và các vùng úng trũng khác; hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường ao nuôi cho các hộ tại vùng chăn nuôi thủy sản tập trung. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các thị trường tiêu thụ.

“Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung các hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường được phép sử dụng trong chăn nuôi thủy sản. Sở cũng sẽ kiến nghị với các bộ, ngành có chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi thủy sản để giảm giá thành, qua đó góp phần thúc đẩy chăn nuôi thủy sản phát triển bền vững”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo nút thắt chăn nuôi thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.