Nông nghiệp

Đưa chăn nuôi "vào cuộc" chuyển đổi số

Ngọc Quỳnh 06/03/2024 - 06:46

Thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thúc đẩy chuyển đổi số, đưa công nghệ cao vào sản xuất bằng việc áp dụng hệ thống cảm biến để kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi, xây dựng hệ thống nước uống tự động, theo dõi chăm sóc đàn vật nuôi trên máy tính…

Những cách làm này đã giúp các trang trại vận hành theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng, đáp ứng yêu cầu về năng suất, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

nong-so.gif
Vận chuyển nguyên liệu vào lò ấp trứng tự động tại Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Hướng đi nhiều lợi ích

Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) nuôi khoảng 500 con lợn nái và 5.000 con lợn thương phẩm. Để đàn lợn sinh trưởng tốt, đơn vị đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình chăn nuôi, như: Sử dụng hệ thống làm mát tự động, cập nhật đầy đủ các thông số nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió… trong chuồng nuôi lợn; có hệ thống máng ăn tự động, máy khử ôzon sát trùng hiện đại.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Trọng Long cho biết, việc áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi đã giúp hợp tác xã kiểm soát được dịch bệnh; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Không chỉ Hợp tác xã Hoàng Long, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số trong chăn nuôi ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… cho thấy rõ hiệu quả kinh tế.

Điển hình như trang trại chăn nuôi gà quy mô 5ha của Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh). Tại đây, các khâu chuyển thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi đều tự động; lò ấp trứng cũng được tự động hóa. Nhờ đó, tỷ lệ ấp nở trứng thành công rất cao. Con giống chuẩn bị xuất chuồng đều được tiêm vắc xin phòng bệnh và phun thuốc qua hệ thống tự động.

“Nhờ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nên việc chăm sóc, phòng bệnh và tiêu thụ con giống hiệu quả hơn. Với 100 máy ấp nở, công suất 20.000 quả trứng/máy, mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống các loại; doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm”, Giám đốc Công ty Hoàng Mạnh Ngọc cho hay.

Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thủy sản và thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản và 3 hợp tác xã chăn nuôi đã áp dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất. Việc chuyển đổi số đã góp phần phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng; bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường.

Tích cực hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số

Theo Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi không chỉ nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, mà còn giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh. Thông qua chuyển đổi số, người chăn nuôi có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh, từ đó có phương án sản xuất phù hợp với thị trường.

Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng công nghệ thông minh trong chăn nuôi và được cập nhật lên hệ thống sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thông tin chính xác, kịp thời về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn, sản lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề mới nên người chăn nuôi vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của lĩnh vực này. Hơn nữa, trên địa bàn thành phố còn tỷ lệ khá nhiều hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ, chưa có thói quen ghi chép, cập nhật số liệu, gây không ít khó khăn cho quá trình chuyển đổi số…

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong chăn nuôi, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số trong chăn nuôi về vốn vay với lãi suất ưu đãi… Đồng thời, thành phố cần thường xuyên mở các lớp tập huấn về chăn nuôi công nghệ cho người dân và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp, như ngành sản xuất các loại thiết bị chuồng nuôi, chế biến, giết mổ; tạo điều kiện cho các đơn vị ứng dụng vào sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của thành phố xây dựng phần mềm và các nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi một cách hoàn chỉnh; chuẩn hóa quy trình, kết nối, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống "một cửa" điện tử...

“Các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, góp phần quan trọng tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa chăn nuôi "vào cuộc" chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.