Nông nghiệp

Tập trung phát triển chăn nuôi “xanh”

Ánh Dương 23/01/2024 - 07:04

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Để chăn nuôi phát triển xứng tầm, thành phố đang tái cấu trúc theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao, đặc biệt là theo hướng “xanh”, bền vững...

dong-goi-trung-ga-tai-trang.jpg
Đóng gói trứng gà tại trang trại chăn nuôi ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ).

Nhân rộng mô hình chăn nuôi sạch

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng đàn trâu, bò gần 159.000 con, đàn lợn gần 1,5 triệu con; đàn gia cầm 46,87 triệu con… Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước tính trên 12.700 tấn; lợn hơi trên 253.900 tấn; gia cầm hơi trên 162.000 tấn; trứng gia cầm các loại hơn 2,8 triệu quả; sản lượng sữa tươi 44.100 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.000ha, tổng sản lượng 127.355 tấn.

Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị, theo quy hoạch vùng xã trọng điểm, xa khu dân cư, các huyện, thị xã của thành phố đang tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng chăn nuôi bền vững, có truy xuất nguồn gốc, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường...

Điển hình, gia đình ông Đặng Đình Tiên ở thôn 3, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ), thực hiện mô hình trang trại vườn - ao - chuồng sinh thái nông nghiệp từ năm 2001 với 11ha.

Ông Tiên chia sẻ: "Trang trại của gia đình tôi chăn nuôi gà sạch, sử dụng thức ăn nhập khẩu của Hà Lan, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Cá nuôi tự nhiên, có 1 mô hình nuôi “sông trong ao”. Sản phẩm của trang trại tiêu thụ chủ yếu tại các chuỗi siêu thị: Aeon, Kmark (Hàn Quốc), BRG, Kinh đô, Phạm Nguyên, Richky và một số bếp ăn trường học. Tổng doanh thu 60 tỷ đồng/năm. Trang trại tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên với thu nhập 7-12 triệu đồng/người/tháng".

Hay như mô hình chăn nuôi gà sạch của Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) được thành lập với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi, tạo chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Quy trình chăn nuôi đều được các hộ thành viên thực hiện đúng kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt bảo đảm. Hiện nay, tổng đàn gà của hợp tác xã đạt khoảng 20 vạn con, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.

Tương tự, huyện Thạch Thất cũng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Kiều Văn Hiện ở xã Đồng Trúc.

Ông Hiện cho biết, từ khâu cho gà ăn đến xử lý môi trường, khử trùng chuồng nuôi đều được gia đình thực hiện bằng máy và chế phẩm vi sinh. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gia đình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Tại huyện Sóc Sơn, trang trại chăn nuôi gà và lợn rừng của gia đình chị Nguyễn Thu Thoan ở xã Minh Phú cũng thực hiện theo quy trình an toàn sinh học. Nhờ vậy, thịt gà thơm ngon tự nhiên, được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2021, sản phẩm “Gà vi sinh Thu Thoan” được cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ...

Hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cao

Toàn thành phố hiện có hơn 6.380 trang trại chăn nuôi (130 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 1.593 trang trại quy mô vừa, còn lại là quy mô nhỏ), tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phúc Thọ…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi “xanh” trên địa bàn ngày càng được nhân rộng. Việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP... đang góp phần hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cao, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, thị xã đặc biệt coi trọng phát triển theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, thị xã đã xây dựng được một số mô hình chăn nuôi an toàn, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Chuỗi chăn nuôi gà Mía của Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; nuôi ong lấy mật của Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn; chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi dê tại phường Xuân Khanh… Các mô hình này đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cũng khẳng định, huyện phát triển trang trại, gia trại theo hướng tập trung, xa khu dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Quan điểm của huyện là khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hướng tới nền nông nghiệp “xanh”, bền vững.

Cũng hướng tới chăn nuôi “xanh”, ông Đặng Đình Tiên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) cho biết thêm: Từ năm 2019-2023, trang trại có 6 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3-4 sao, gồm: Trứng gà sạch Tiên Viên, trứng gà quê Tiên Viên, trứng chim cút Tiên Viên... Thời gian tới, gia đình ông sẽ xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái tuần hoàn gắn với du lịch, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sạch, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường...

Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, việc đẩy mạnh xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ... giúp hình thành nhiều vùng nguyên liệu chất lượng tốt, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp “xanh”, thân thiện môi trường.

Các địa phương cũng đang tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25-10-2022 về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất chăn nuôi an toàn, hiệu quả lâu dài, mang lại thu nhập ổn định cho hộ chăn nuôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển chăn nuôi “xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.