Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển các không gian sáng tạo

Thanh Thủy| 21/10/2018 07:13

(HNM) - Là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa của cả nước, Hà Nội có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển các không gian sáng tạo, mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cũng như nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng.

Tổ chim xanh - Bluebirds' Nest điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm một nơi tĩnh lặng để đọc sách. Ảnh: Mạnh Thắng


Nuôi dưỡng, kết nối

Kết quả khảo sát từ Văn phòng Hội đồng Anh tại Hà Nội, Thủ đô đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo với 60/140 mô hình, trong đó, số lượng mô hình không gian văn hóa, nghệ thuật lên tới hơn 40. Có thể kể đến các không gian sáng tạo tiêu biểu, như: Heritage Space (phố Trần Bình); Ơ kìa Hà Nội (phố Hoàng Hoa Thám); Cà phê thứ bảy (phố Ngô Quyền); Tổ chim xanh (phố Đặng Dung); The Vươn (phố Giảng Võ)…

Với vai trò nuôi dưỡng, kết nối cảm hứng sáng tạo, các không gian sáng tạo là nơi tập trung những cuộc trao đổi về văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, xã hội… Không chỉ có vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các mô hình không gian sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bản sắc đô thị, góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ, thậm chí là tái sinh đô thị.

Dù mang lại nhiều giá trị nhưng việc phát triển các mô hình này ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn có những khó khăn. Ngoài việc là ngành nghề mới mẻ, “sân chơi” không gian sáng tạo hầu như chỉ thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân nên sự tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính, khả năng quản lý cũng như tâm huyết của người tổ chức.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo - VCE Club - Lê Quốc Vinh: Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rất nhiều không gian sáng tạo hợp tác với nhau để cung cấp một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cũng như đủ sức thực hiện những dự án lớn. Tuy nhiên, ở nước ta, gợi ý này đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến sức mạnh hoạt động của không gian sáng tạo bị hạn chế.

Đại diện không gian sáng tạo The Vươn - Luxury Garden Office, ông Hà Anh Tuấn chia sẻ, đầu tư cho không gian sáng tạo còn nhiều rủi ro bởi đối tượng thụ hưởng thiếu mặn mà trong khi chi phí kiến tạo, duy trì rất tốn kém.

Một trở ngại khác nằm ở khâu cấp phép tổ chức. Sáng lập viên tổ hợp Hanoi Creative City Đoàn Kỳ Thanh cho biết, hiện nay, các không gian sáng tạo chưa có tư cách pháp nhân cụ thể. Nhiều nơi phải vất vả để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và sứ mạng cộng đồng bằng việc “đóng nhiều vai” mà Hanoi Creative City, với tư cách pháp nhân là một công ty bất động sản, không có quyền tổ chức sự kiện, là một ví dụ.

Hoàn thiện thêm 25 công viên mới

Không gian sáng tạo Creative lab thuộc Hanoi Creative City.


Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Hà Nội hiện đang sở hữu nhiều không gian sáng tạo lớn, như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố sách Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất… Điều cần nhất là tạo chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân khai thác không gian này thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tại đó.

Không chỉ góp phần đem lại sắc thái mới cho đô thị, không gian sáng tạo còn là hướng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc bố trí các khu vui chơi, các hoạt động sáng tạo cộng đồng nên được ưu tiên mỗi khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới. Hà Nội có thể đưa không gian sáng tạo vào những khu vực vốn gây ô nhiễm, đơn cử như khu vực có nhà máy sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá… trên đường Nguyễn Trãi, để tạo nên sức hấp dẫn cho khu vực này.

Ông Lê Quốc Vinh đề xuất cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển cho các không gian sáng tạo của Thủ đô trên cơ sở không ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường, vì các không gian này còn mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng.

Gần đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập và phát triển”.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng với việc phát triển thêm nhiều không gian văn hóa mới, tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, lộ trình từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thiện 25 công viên mới, trong đó dành ra nhiều không gian để văn nghệ sĩ Hà Nội tự do sáng tạo.

Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp; có chủ trương hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các không gian sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.