Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có thêm không gian xanh

Đỗ Quỳnh Chi| 02/12/2022 06:21

(HNM) - Bốn quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và Hoàn Kiếm ngày 29-10-2022 đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho phép lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”. Mục đích của đề án là nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế, tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch…

Thông tin trên nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang cần thêm nhiều công viên, nhất là những khoảng xanh để giảm bớt sự bí bách do quá tải hạ tầng đô thị, hiệu ứng nhà kính… Ngoài ra, việc quản lý khu bãi giữa sông Hồng cũng đang bộc lộ hạn chế về trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất nông nghiệp, an ninh trật tự..., cần có giải pháp xử lý. Khu vực này hầu như không mang lại nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, việc đặt vấn đề phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên là hướng đi khả thi.

Trên thực tế, nếu có dịp đến một số nước quanh khu vực như: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc…, sẽ thấy những khu công viên rộng hàng trăm héc ta nằm ngay cạnh các đô thị lớn. Nơi đây thường được chia thành những phân khu trồng một loại cây chuyên biệt mang đặc trưng của quốc gia; là địa điểm cắm trại, tổ chức sự kiện ngoài trời, giáo dục trực quan về thiên nhiên. Tiêu biểu như tại Bogor, cách thủ đô Jakarta khoảng 70km có Công viên Mekarsari rộng gần 500ha, trồng gần 100 loại cây ăn quả, cây đặc trưng của Indonesia. Mỗi năm địa điểm này thu hút hàng chục vạn người, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Đề xuất của 4 quận mới là chủ trương ban đầu, cần được sự phê duyệt của các cấp và có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trong điều kiện của Hà Nội hiện nay cũng như lâu dài, việc xem xét quy hoạch bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng rất đáng quan tâm. 

Lợi ích của giải pháp nói trên ngoài việc tạo cảnh quan xanh, môi trường trong lành cho khu nội đô thì còn bảo đảm được nhiệm vụ thoát lũ sông Hồng trong những điều kiện lũ lụt bất thường. Bởi ở những khu vực này, cần tối giản việc xây dựng công trình bề thế, có thể phá hỏng cảnh quan và ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Trong khi chờ UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về chủ trương phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng, chính quyền 4 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên cần xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng (nếu có). Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu vực này.

Về lâu dài phải thấy rằng, đoạn sông Hồng chảy qua nội thành là một "không gian xanh" mà trời đất ban cho Hà Nội. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về những yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị, điều đang rất thiếu hiện nay. Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng. Và vì đây là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực.

Với tầm nhìn cho tương lai, việc sớm chỉnh trị đoạn sông Hồng nói chung, vùng bãi sông Hồng nói riêng để bảo đảm thoát lũ, tạo cảnh quan xanh là việc cần được xem xét thấu đáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để có thêm không gian xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.