Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam và đã có lịch sử hơn một nghìn năm văn hiến. “Chiếu dời đô” của đức vua Lý Thái Tổ được sử gia Ngô Sĩ Liên chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn nói về thành Đại La (sau đổi thành Thăng Long - tức Hà Nội ngày nay), rằng: "Ở vào nơi trung tâm trời đất, được vào thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước".
Từ đây, Thăng Long - Hà Nội trở thành địa danh ghi dấu những chứng tích hào hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Gần đây, bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh “Đào, phở và piano” do NSƯT Phi Tiến Sơn biên kịch và đạo diễn đã gây sốt không chỉ trên các trang mạng xã hội với phân cảnh nữ chính ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Phim lấy bối cảnh lịch sử Hà Nội thời điểm đông xuân năm 1946-1947, sau lời hiệu triệu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim đã truyền cảm hứng trong giới trẻ cả nước bởi yếu tố lịch sử hào hùng, lãng mạn và bi tráng, giúp cho các thế hệ sau tưởng nhớ tới những ngày tháng người Hà Nội đã anh dũng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đồng thời cho thấy tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam mãi mãi trường tồn theo năm tháng.
Truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền” của nhà văn Bảo Ninh có những đoạn mô tả quang cảnh Hà Nội trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 oanh liệt, khiến người đọc cảm thấy xúc động và xót xa: "Thình lình, cái chết nhả móng vuốt. Bầu trời như sập cửa đánh sầm một cái. Rồi hẫng đi, lặng phắc. Tiếng nổ của quả bom cuối cùng dập tắt mọi tiếng nổ... Khói đặc trôi là là. Mùi thuốc bom khét cháy. Trời mây bầm đỏ... Trong tai đã đỡ tiếng ù, tôi nghe thấy ở đâu đó phía trước, rất gần, dậy lên tiếng kêu cứu. Rồi cả đoạn phố ầm ầm lên huyên náo. Từ phía sau, rầm rập một đám đông đổ tới với cuốc xẻng, xà beng, với cáng thương, hối hả tràn qua. "Đứng ì ra thế à! - Ai đó giận dữ quát lên với tôi, gay gắt, đau đớn, khàn đặc: Hầm thì sập, người thì chết, ngay trước mắt kia kìa, giời ơi - ơi…!".
Mỗi lần về quê ngoại ở Tảo Dương Văn (thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội), dừng ở ngã ba đầu cầu Vân Đình tôi thường thấy một tấm bia đá to có khắc dòng chữ: "Tại đây ngày 4.8.1965 giặc Mỹ ném bom giết hại hàng trăm đồng bào ta đang họp chợ". Đọc lên mà cảm thấy đau lòng.
Mẹ tôi kể, ngày máy bay ném bom đánh sập cầu Vân Đình đúng lúc đang họp chợ nên có rất nhiều người bị chết. Ngày hôm ấy, ông ngoại tôi đi đơm đó được mớ tôm mớ tép cũng mang lên chợ đổi gạo. Bà ngoại và mẹ tôi cứ ra ngóng vào trông lo sợ cho tính mạng của ông ngoại tôi. Cuối cùng ông ngoại cũng trở về nhưng những ngày tháng sau đó không còn yên bình nữa. Máy bay ngày đêm gầm rú trên bầu trời. Mẹ tôi trèo lên cây hái ổi cho em, máy bay bay rè rè trên đầu vội vàng nhảy xuống đống rơm ngã trẹo cả chân.
Mẹ tôi cùng bạn bè đi học thường ai cũng biết bện mũ bằng rơm để tránh bom bi. Đang học mà nghe thấy có báo động thì chui vào hầm chữ A, chữ Y để tránh bom do máy bay thả xuống. Máy bay của kẻ thù dội bom cả vào các điểm dân cư, trường học, bệnh viện, kho thóc... Trong những ngày tháng ác liệt ấy, ban đêm mọi người nhìn về phía nội thành Hà Nội cháy sáng rực, khói bay nghi ngút cả bầu trời. Mẹ bảo đó là đêm 29-6-1966. Tôi tra cứu sách báo, tài liệu thì được biết ngày hôm đó không quân Mỹ đã sử dụng 36 lượt máy bay đánh bom khu công nghiệp Đức Giang, trong đó có kho xăng, lửa cháy ngùn ngụt, khói đen che lấp bầu trời phía bắc Hà Nội.
Lớn hơn một chút, mẹ tôi tham gia vào đội dân quân tuần tra ban đêm để bảo vệ xóm làng, ban ngày thì làm cô trông giữ trẻ, làm bèo tấm ủ làm phân bón ruộng... Hỏi rằng lúc ấy mẹ và mọi người có sợ không, mẹ tôi bảo: "Giữa thời chiến tranh loạn lạc, là con người ai chả có nỗi sợ nhưng tất cả đều căm thù giặc, phải làm hết sức mình để ủng hộ tiền tuyến nên vẫn lao động, sản xuất bình thường. Tình hình căng thẳng thì sơ tán lên đình Tảo Dương Văn xong rồi lại trở về làm việc". Có lẽ, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, lòng yêu nước trong mỗi con người sôi sục, ý chí quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ đã lấn át hết những nỗi sợ hãi bình thường của người Hà Nội.
Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ nhưng những chứng tích lịch sử vẫn còn đó. Những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong hòa bình như chúng tôi được nghe người lớn kể lại cũng không thể hình dung, cảm nhận hết những khó khăn, gian khổ các thế hệ trước đã phải trải qua, nhưng chắc chắn rằng sẽ không ai có thể quên những hy sinh to lớn của cha ông để giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước. Và chúng tôi cũng sẽ nỗ lực cống hiến, để Hà Nội mãi là trái tim cả nước, Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự là một đô thị đáng sống, và để Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển thịnh vượng, phồn vinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.