Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian xanh, thành phố xanh

Thế Văn| 27/01/2023 06:40

(HNM) - “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, Tết đến, Xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người phơi phới kỳ vọng tương lai và ngày hội trồng cây theo lời Bác dạy lại đến với người dân nước Việt.

Cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tiết sinh thái và là một phần không thể thiếu tạo nên sắc thái đô thị. Lời Bác dặn về “Tết trồng cây” càng mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và Hà Nội đang nỗ lực hướng tới một thành phố xanh.

Trong tiến trình phát triển đô thị hơn nghìn năm qua, Thăng Long - Hà Nội luôn tạo cho mình một bản sắc riêng - một đô thị hài hòa. Tư duy sống hài hòa cùng thiên nhiên trải qua các thời Lý, Trần… vẫn còn đậm dấu ấn trên đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Với phong trào “Tết trồng cây” và Chương trình một tỷ cây xanh vì “một Việt Nam xanh”, Hà Nội ngày càng có nhiều không gian xanh.

Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố đã hình thành không ít vườn thực vật với nhiều tầng tán, nhiều loại cây; nhiều khu chung cư xuất hiện những vườn cây gia đình đủ loại hoa hồng, hoa lan; nhiều đại lộ trở thành nơi hội tụ của cây xanh đô thị và làng quê Hà Nội đang xanh hơn với những cây di sản, những đường cây, đường hoa…

Với triết lý sống hài hòa cùng thiên nhiên, những đô thị xanh xuất hiện ngày càng nhiều là sự kết hợp của cây xanh, hồ nước và kiến trúc theo phong cách hiện đại như: Vinhomes Riverside, Gamuda Gardens, Seasons Avenue… hay những không gian sáng tạo hài hòa cùng thiên nhiên bên hồ Tây, sông Hồng… Nhiều người Hà Nội đang tìm về với lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên… Tư duy này đã và đang tạo ra diện mạo mới cho thành phố “nghìn năm văn hiến”, từng bước định hình hướng phát triển mới cho Hà Nội - thành phố xanh.

“Tết trồng cây” Xuân Quý Mão, Hà Nội dự kiến trồng 100.000-120.000 cây xanh các loại, thành phố yêu cầu các địa phương lồng ghép tổ chức lễ hội Xuân với việc phát động “Tết trồng cây” tại các khu di tích lịch sử văn hóa, khu đô thị mới, các công trình công cộng, trục đường giao thông… Trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; 200.000 cây ăn quả; trồng bổ sung 20-30ha rừng...

Cùng với việc trồng cây, bảo vệ rừng…, người Hà Nội đang tạo ra một “đại đô thị” sinh thái có sự hài hòa của màu xanh cây lá, không gian mặt nước… thể hiện chiều sâu văn hóa và lối sống gần gũi với thiên nhiên.

“Tết trồng cây” Xuân Quý Mão mang đến kỳ vọng mới! Không gian xanh, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, giao thông xanh… là những tiêu chí không thể thiếu của thành phố xanh và cũng là những câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Cùng với việc đổi mới định hướng, đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch từ không gian đô thị đến không gian nông thôn…, cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần tăng cường quản lý quy hoạch bảo đảm sự phát triển hài hòa theo hướng xanh, bền vững.

Hơn hết, mỗi người Hà Nội cần tạo lập cho mình một lối sống hài hòa cùng thiên nhiên qua việc trồng, chăm sóc cây xanh, ứng xử thân thiện với môi trường… Chỉ khi cả cộng đồng cùng vào cuộc, cùng chung sức mới có thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính hay những hệ lụy từ biến đổi khí hậu… Người Hà Nội cần thể hiện trách nhiệm với thành phố của mình từ mỗi việc làm, mỗi hành động nhỏ nhất để Thủ đô ngày càng xanh hơn, sạch đẹp hơn. 

Trồng cây theo lời Bác dạy là bước khởi đầu cho một tương lai xanh, một Hà Nội xanh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không gian xanh, thành phố xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.