(HNM) - Không gian xanh là “lá phổi” của đô thị, không chỉ tạo lập môi trường sống lành mạnh, tươi đẹp mà còn góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư. Yếu tố này không thể thiếu và càng đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, khi hướng tới mục tiêu phát triển trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại” vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Không gian xanh đô thị vẫn còn… “xa xỉ”
Quá trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát đã làm cho các không gian xanh đô thị tại Hà Nội bị thu hẹp. Mặc dù được gọi là “đô thị của sông hồ” nhưng thực tế cho thấy, hệ thống sông, hồ của Thủ đô đang chịu sự xâm lấn nghiêm trọng. Bê tông hóa làm mất dần vai trò của hệ thống sông, hồ cả về giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đô thị lẫn hiệu quả về thoát nước. Trong khi đó, diện tích các mảng xanh lại chưa được đầu tư phát triển.
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội), mặc dù có thêm nhiều vườn hoa, công viên hay các khu cây xanh đặc thù, không gian xanh đô thị vẫn là yếu tố “xa xỉ” đối với Hà Nội. Còn Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội dù đã đẩy nhanh việc cải tạo hệ thống các sông, hồ, công viên, cây xanh nhưng hiệu quả chưa cao. Các vành đai xanh, hành lang xanh được đề cập trong các quy hoạch phân khu nhưng quy hoạch chi tiết như thế nào chưa được nghiên cứu hoàn thiện và còn nhiều lúng túng...
Phân tích hiện trạng từng khu vực, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn cho biết, mức độ phân bố các không gian xanh tại Hà Nội chưa đồng đều. Ở khu vực nội đô, không gian xanh có tỷ lệ thấp. Nhiều khu đất được quy hoạch cho chức năng không gian xanh vẫn chưa được đầu tư, bị bỏ hoang hoặc tận dụng cho kinh doanh tạm. Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, các con sông trở thành những mương thoát nước thải cho đô thị, làm mất dần vai trò hành lang sinh thái, trở thành những không gian cảnh quan kém hấp dẫn và ô nhiễm nhất trong đô thị…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Xanh hóa không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu thành phố đang hướng tới nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên. Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cũng như hướng tới thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đặt ra, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 trồng gần 2,9 triệu cây xanh, trong đó trồng mới khoảng 565ha rừng và hơn 1,9 triệu cây phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã. Con số này sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ cây xanh lên 8-10m2/người và nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 5,67% lên 6,2% vào năm 2025.
Để nâng cấp không gian xanh hiện có, theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, thành phố cần sớm khôi phục các dòng sông và hình thành các không gian xanh dạng tuyến. Giải pháp này không chỉ làm sống lại các dòng sông có giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội mà còn khôi phục hệ sinh thái ven sông, góp phần đưa yếu tố tự nhiên trở lại với đô thị hiện đại bằng giải pháp xây dựng cảnh quan ven sông theo dạng công viên tuyến tính, tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước và bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng, cải thiện điều kiện vi khí hậu và giảm thiểu úng ngập.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm, không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà cần phải có cái nhìn bao quát hơn với các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh.
Thời gian qua, việc phê duyệt một số đồ án quy hoạch phân khu đô thị quan trọng đã tạo ra cơ hội phát triển không gian xanh đô thị. Trong số này, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã định hướng sông Hồng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.
“Tiềm năng lớn nhất của sông Hồng nếu có định hướng quy hoạch tốt là quỹ đất, trong đó với riêng khu vực bãi giữa, bãi bồi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là hơn 300ha. Tại khu vực nội đô lịch sử, mỗi người dân hiện được hưởng thụ bình quân 5-5,5m2 không gian xanh. Nếu khai thác được quỹ đất bãi làm không gian xanh, tỷ lệ trên sẽ được nâng lên tới gần 8m2/người”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Sự thiếu hụt không gian xanh tại Hà Nội là trở ngại rất lớn cho chiến lược xây dựng Thủ đô “Xanh - thông minh - hiện đại”. Do đó, việc phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng không gian xanh cho Hà Nội đang được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần sự tham gia từ các cấp, ngành tới sự hưởng ứng của các tổ chức và cộng đồng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.