Đến xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) những ngày này sẽ thấy yên ắng lạ thường so với trước, không gian sống cũng được tô điểm bởi những mảng màu xanh của đường hoa, hàng cây.
Điểm sáng bảo vệ môi trường làng nghề
Vốn là làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề cơ khí, Thanh Thùy trước kia không chỉ chịu ô nhiễm từ không khí mà còn cả tiếng ồn. Song, với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Thanh Thùy đã từng bước tạo lập không gian sinh sống trong lành, xanh mát cho nhân dân.
Thanh Thùy hôm nay khác so với Thanh Thùy của những năm về trước. Ông Nguyễn Văn Biên, chủ cơ sở sản xuất cơ khí tại xã Thanh Thùy cho biết, trước kia, khắp các thôn, xóm ở đây là tiếng gõ, tiếng khoan đục sắt thép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, huyện Thanh Oai và xã Thanh Thùy đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các hộ dân làm nghề cơ kim khí bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Xuân Chánh, 6/6 thôn của xã đều có nghề truyền thống, trong đó, 5 thôn có nghề cơ khí và một thôn có nghề điêu khắc mỹ nghệ với hơn 2.000 hộ gia đình làm nghề, chiếm 85% tổng số hộ dân toàn xã. Doanh thu làng nghề của xã đạt bình quân hơn 500 tỷ đồng mỗi năm.
“Trước đây, có thời điểm ô nhiễm môi trường tại làng nghề Thanh Thùy rất bức bối, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, song cũng phải bảo đảm sinh kế cho người dân, xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường làng nghề, mở các lớp tập huấn giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường... Hiện, xã đã triển khai xây dựng xong điểm công nghiệp làng nghề và đưa vào sử dụng có hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Chánh cho hay.
Đặc biệt, năm 2013, xã được thành phố Hà Nội triển khai dự án “Quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam” (VPEG) do Chính phủ Canada tài trợ. Trong những năm qua, dự án đã phát huy hiệu quả với làng nghề cơ khí Thanh Thùy khi đã nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường; người dân sản xuất bảo đảm quy củ và hiệu quả hơn. Trong đó, nổi bật là nhờ triển khai dự án, lượng khí thải, nước thải từ các hộ sản xuất đã giảm thiểu rõ rệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao.
Ông Lý Văn Chính (xã Thanh Thùy), chia sẻ: "Ý thức bảo vệ môi trường sống của người làm nghề ở Thanh Thùy ngày một nâng cao. Nhờ sự chuyển biến trong ý thức, sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, người dân xã Thanh Thùy không chỉ giữ được nghề, mà còn bảo vệ được môi trường làng nghề. Hiện, nhiều gia đình đã chuyển vào khu công nghiệp để sản xuất, số còn lại xây dựng nhà xưởng, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường để làm nghề. Đặc biệt, để tạo không gian xanh, sạch cho làng nghề, người dân trong các thôn đều bảo nhau trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa nhỏ…, từ đó tạo ra những điểm sáng, xanh cho làng nghề”.
Tạo không gian sống trong lành
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Xuân Chánh, từ những đóng góp rất lớn của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, chính quyền cam kết tiếp tục tạo điều kiện tối đa để các cơ sở làm nghề trên địa bàn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ xã Thanh Thùy nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định phát triển làng nghề truyền thống là một trong 2 khâu đột phá. Trên cơ sở đó, xã đề ra các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng lớn nhằm khai thác tối đa lợi thế phát triển mạnh mẽ làng nghề, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề được đưa lên hàng đầu.
Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, huyện Thanh Oai đã triển khai xây dựng dự án cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2 với diện tích hơn 6ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, để bảo tồn, phát triển các làng nghề, huyện quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp nhằm bảo đảm không gian sản xuất cũng như vấn đề môi trường, đưa sản xuất ra khỏi khu vực dân cư sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Biên (xã Thanh Thùy) phấn khởi nói: "Từ khi các cụm, điểm công nghiệp được hình thành, vấn đề sản xuất của làng nghề đã được giải quyết và giá trị hơn là không gian sống yên bình ở làng quê được trả lại. Người dân đua nhau trồng cây xanh, trồng hoa ven các tuyến đường, tạo không gian trong lành cho thôn, xóm".
Hiện tại, hằng năm, huyện Thanh Oai đều có những khảo sát, đánh giá môi trường làng nghề để bảo đảm tiêu chí môi trường. Đặc biệt, với hướng phát triển là hành lang xanh của Thủ đô, Thanh Oai đã mở một hướng đi mới cho các làng nghề, trong đó có làng nghề cơ khí Thanh Thùy, là phát triển làng nghề kết hợp du lịch, khôi phục bản sắc văn hóa, phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng và có tính nghệ thuật cao. Để làm được điều này, huyện Thanh Oai xác định đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường lên hàng đầu, giúp mỗi làng quê của Thanh Oai, trong đó có Thanh Thùy, là những điểm nhấn xanh, sạch, đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.