(HNM) - Hai năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về
Điểm nổi bật là việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã, đang đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Qua đây, bước đầu đã ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Hơn thế, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành sự tự giác, một nhu cầu tự thân, thường xuyên, của nhiều tập thể, cá nhân. Rõ nét nhất là việc xây dựng kế hoạch, đăng ký làm theo Bác đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên.
Nhiều địa phương xác định khâu đột phá gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân. Trong đó đã giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị, được nhân dân ghi nhận.
Có thể thấy rõ điều này ở Đảng bộ TP Hà Nội khi việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ được gắn với thực hiện kỷ cương hành chính; Quy tắc ứng xử văn hóa, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị... Qua đây, nhiều cán bộ, đảng viên đã tự soi, tự sửa, không ngừng phấn đấu để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Có thể thấy, việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TƯ là một yêu cầu tất yếu trong đời sống xã hội. Để việc học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân cần nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, hết sức tránh hình thức, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thật sự là tấm gương về tự giác, rèn luyện, học tập để nhân dân noi theo.
Các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, tích cực đổi mới nội dung, hình thức thông tin, giáo dục; kịp thời giới thiệu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội… Từ đó làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội. Đặc biệt, chi bộ phải là nơi đảng viên thường xuyên nghiên cứu, trao đổi; là cơ sở để tổ chức học tập và xây dựng kế hoạch làm theo các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ trong thế hệ trẻ; trong các doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức cơ sở Đảng. Đồng thời biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, ở các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp.
Tâm nguyện của Bác Hồ là mong muốn đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” bằng trí tuệ, văn hóa, nhân cách, phẩm giá tốt đẹp của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người luôn là tấm gương, là sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc ta trên con đường phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.