Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại

Thế Văn| 10/09/2022 06:41

(HNM) - Chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 35 năm thực thi công ước này tại Việt Nam được tổ chức trong những ngày qua thêm một lần khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong việc quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước và nhân loại, cũng như thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác cũng cho thấy, kho tàng lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh… của nước ta là khối tài sản “khổng lồ” - một nguồn lực phát triển cần được bảo vệ, gìn giữ và khai thác hiệu quả.

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Việt Nam chính thức phê chuẩn, tham gia Công ước này từ ngày 19-10-1987. Đến nay, chúng ta đã có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được ghi vào Danh mục Di sản thế giới và theo chương trình Ký ức thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được ghi danh ở tầm châu Á - Thái Bình Dương… Những di sản văn hóa, thiên nhiên không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, nét đẹp của Việt Nam mà còn thúc đẩy du lịch, thương mại, phát triển kinh tế - xã hội...

Quần thể di tích Cố đô - Huế, danh thắng Tràng An, Khu phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long… sau khi trở thành Di sản thế giới đã ghi danh những điểm đến hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội “vàng” cho việc khai thác giá trị di sản cho đời sống đương đại… Tuy nhiên, kéo dài tuổi thọ của di sản - tài nguyên không thể tái tạo thật sự là một thách thức. 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3.591 di tích xếp hạng quốc gia, 123 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt… ẩn chứa trong đó những giá trị vật chất, tinh thần vô cùng to lớn. Cũng vì thế bảo tồn, phát huy giá trị di tích là cả một câu chuyện dài, chưa nói đến những bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể…

Để di sản văn hóa trở thành một bộ phận hữu cơ của cuộc sống đương đại, điều đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cũng như sự hiểu biết của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa. Bởi cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì, thực hành và tái tạo di sản... Cùng với việc tạo các cơ chế để người dân sống trong khu vực di sản và du khách tham quan chung tay bảo tồn giá trị di sản, các địa phương cần khuyến khích cộng đồng tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc thù mang tính vùng miền để thu hút du khách…

Mặt khác, trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích văn hóa, lịch sử, điều cốt lõi là phải bảo tồn được yếu tố gốc cấu thành di tích, hay nói cách khác là tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản. Qua đó, khai thác giá trị di sản một cách căn cơ, bài bản, có trách nhiệm để có thể gìn giữ, chuyển giao nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

Di tích, di sản văn hóa lịch sử đa dạng về loại hình (đình chùa, đền tháp, lăng tẩm, cung điện…), phong phú về chất liệu (gạch, đá, gỗ, tre…), trong đó chủ yếu là chất liệu hữu cơ dễ biến dạng, hư hỏng... Do vậy, cùng với việc phát huy những kinh nghiệm, phương pháp bảo tồn truyền thống, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào lĩnh vực này. Đặc biệt là số hóa tư liệu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh... phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.