(HNM) - Một ngày sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh cùng các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc hội đàm tại thành phố Venice.
Tổng thống F.Hollande (trái) và Thủ tướng M.Renzi quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Libya. |
Cùng với những thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại song phương, thách thức trong cuộc khủng hoảng di cư đang làm đau đầu cả Châu Âu, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria cũng như sự can thiệp quân sự vào Libya đã trở thành tâm điểm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Chuyến thăm Italia của Tổng thống F.Hollande diễn ra chưa đầy 4 tháng sau cuộc gặp với Thủ tướng M.Renzi tại Paris vào cuối tháng 11-2015, để thảo luận về cuộc chiến chống IS tại Syria, cũng như giải quyết khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này và Libya. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kêu gọi mở rộng liên minh quốc tế chống IS.
Nhấn mạnh tầm quan trọng phải có các biện pháp ngoại giao để giải quyết hai vấn đề lớn là tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria và cuộc khủng hoảng ở Libya, Thủ tướng M.Renzi đã nhắc lại cam kết cùng Pháp quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kêu gọi mở rộng liên minh quốc tế chống IS tại Trung Đông. Nhà lãnh đạo này cho rằng, cần đặt trọng tâm ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya bởi quốc gia Bắc Phi này có nguy cơ trở thành nơi đáng báo động nhất của chủ nghĩa khủng bố thế giới.
Mối bận tâm của Pháp và Italia đối với tình hình ở Libya cũng dễ hiểu, bởi thời gian qua Mỹ đã cử nhiều đơn vị đặc nhiệm tới quốc gia Bắc Phi này để nắm tình hình và bắt liên lạc với các lực lượng địa phương. Kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ 5 năm trước, Libya vẫn trượt dài trong hỗn loạn và hiện có đến hai chính phủ đối lập với các nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ. Lợi dụng tình hình bất ổn, IS đã tăng cường hoạt động và chiếm được thành phố Sirte, tổ chức tuyển mộ các tay súng thánh chiến cực đoan tại đây. Sở dĩ Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Pháp, Italia, còn do dự can thiệp quân sự tại Libya là do một chính phủ đoàn kết dân tộc chưa chính thức ra đời như yêu cầu của Liên hợp quốc.
Với quan điểm cần phải có một giải pháp chính trị trước khi có một giải pháp quân sự, Thủ tướng M.Renzi, trong họp báo chung với Tổng thống F.Hollande sau khi kết thúc hội đàm tại Venice, đã nhấn mạnh việc thành lập chính phủ ở Libya là ưu tiên hàng đầu cho người dân nước này. Vì thế, bất chấp những khó khăn còn dai dẳng, đến nay cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc sẽ làm tất cả những gì có thể để Chính phủ Libya giành đủ số phiếu tín nhiệm và hoạt động càng sớm càng tốt. Phát biểu trên được Thủ tướng M.Renzi đưa ra sau khi ông lên tiếng bác bỏ khả năng nước này đơn phương chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Libya, khẳng định rằng Italia chỉ hành động một khi chính phủ hợp pháp của Libya kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
Cùng với những quan ngại về tiến trình chuyển giao chính trị tại Libya, hai nhà lãnh đạo Pháp và Italia còn thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria. Tổng thống F.Hollande nhấn mạnh, sự can thiệp của nước ngoài vào Syria chỉ được phép giới hạn trong mục đích chiến đấu chống IS tự xưng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng "lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay là phải khôi phục sự đoàn kết của Syria, bảo đảm sự ổn định và dân chủ. Đây là một tiến trình dài mà cùng với đó chúng ta phải tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là IS. Pháp và Italia đã nhất trí rằng kẻ thù chỉ có một và duy nhất, đó là chủ nghĩa khủng bố".
Là quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt, cách Libya chỉ hơn 400km, sự ổn định tại đất nước đang chìm trong loạn lạc có ảnh hưởng lớn đến Italia. Nếu không thúc đẩy được một giải pháp chính trị nhằm ổn định Libya, không chỉ làn sóng di cư từ quốc gia Bắc Phi không thể bị ngăn chặn mà nguy cơ khủng bố "xâm nhập" vào Italia rất cao. Trong khi đó, Pháp bị tổn thương nặng nề bởi chủ nghĩa cực đoan sau các vụ tấn công khủng bố ngày 13-11 năm ngoái. Paris cũng tích cực tìm kiếm các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vì tương lai Châu Âu và chính nước này. Vì vậy, cuộc gặp gỡ Pháp - Italia là một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự hiểu biết và tiếng nói chung cho những vấn đề nóng bỏng có liên quan đến Châu Âu cũng như tăng cường sự phối hợp giữa hai quốc gia trước những thảm họa được dự báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.