Từ những nỗ lực chống khủng bố được triển khai nhiều năm qua, thời gian gần đây, số vụ tấn công đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, ở một số khu vực, mạng lưới khủng bố đang được tái cơ cấu mạnh mẽ và lan rộng. Cách thức tấn công cũng biến hóa, gây ra mức độ thương vong cao hơn.
Đứng trước mối đe dọa ngày càng gia tăng, các quốc gia khẳng định quan điểm tiếp tục ủng hộ thúc đẩy hợp tác đa phương nhằm đẩy lùi thách thức có quy mô toàn cầu này.
Tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 19 đến 23-6, nhiều nội dung đã được đưa ra bàn thảo nhằm tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm về chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.
Theo báo cáo do Viện Kinh tế và Hòa bình thực hiện, năm 2022, số người thiệt mạng vì khủng bố đã giảm 9%, xuống còn 6.701 người, thấp hơn 38% so với mức cao nhất vào năm 2015. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên toàn cầu trong năm thứ 8 liên tiếp, gây ra nhiều vụ tấn công và gây thương vong cao nhất so với bất kỳ nhóm nào. Tiếp theo đó là các tổ chức al-Shabaab, Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) và Jamaat Nusrat Al-Islam wal Muslimeen (JNIM).
Khu vực Sahel (gồm các quốc gia Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea) cận Sahara hiện là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố, khi số người chết vì các cuộc tấn công chiếm 43% trên tổng số nạn nhân toàn cầu. Tình hình chính trị bất ổn là một trong những nguyên nhân biến khu vực Sahel trở thành địa bàn cho các nhóm khủng bố hoành hành. Từ năm 2022 tới nay, 6 âm mưu đảo chính đã được triển khai, trong đó có 4 cuộc thành công.
Tại Nam Á, Afghanistan và Pakistan vẫn nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố. Ở Afghanistan, chi nhánh Khorasan của IS và Mặt trận Kháng chiến quốc gia (NRF) đều được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng. Ở Pakistan, số người thiệt mạng do khủng bố tăng 120% so với năm trước. BLA chịu trách nhiệm cho 1/3 số cuộc tấn công tại quốc gia Nam Á này, khiến nó trở thành nhóm khủng bố phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Thách thức đối với cuộc chiến chống khủng bố hiện nay không chỉ do các nhóm cực đoan tái cơ cấu lực lượng, tập trung vào những khu vực bất ổn, mà còn vì cách thức tấn công biến đổi liên tục, được ví như “những con tắc kè biến màu”. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2022, nhiều quốc gia thực hiện biện pháp phong tỏa, buộc các nhóm khủng bố thay đổi cách thức liên lạc.
Điều này khiến các cuộc tấn công khủng bố trở nên khó dự đoán hơn. Mạng lưới khủng bố hiện nay bao gồm nhiều nhóm cá nhân không đồng nhất hơn so với trước. Những thành phần được tuyển dụng thường vô tình bị thu hút bởi các tài khoản trên nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, TikTok và Twitter trước khi được tiếp xúc với nhiều nội dung cực đoan hơn trên các nền tảng được mã hóa như Telegram, Signal, CloutHub, Gab, Rumble, Zello và MeWe.
Bên cạnh tuyển dụng thành viên mới, các nhóm khủng bố còn truyền bá những thuyết âm mưu và thông tin sai lệch, tác động vào tâm lý của nhiều người. Sự leo thang của các cuộc tấn công khủng bố dựa trên tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và các hình thức lợi dụng tôn giáo hoặc tín ngưỡng để kích động gây xung đột.
Ví dụ như "QAnon", thuyết âm mưu kỳ quặc và có tầm ảnh hưởng lớn xuất hiện vào năm 2017 tại Mỹ từ một bản tin trực tuyến và nhanh chóng lan truyền trên toàn cầu. Thông tin này thu hút hàng triệu người theo dõi trong vòng vài tháng. QAnon đã kích động, khuyến khích những người theo đuổi mục tiêu sát hại hoặc gây thương tích cho 10 người. 61 trong số những người Mỹ xông vào tòa nhà trên đồi Capitol ngày 6-1-2021 là những người sùng đạo "QAnon".
Tại hội nghị do Liên hợp quốc tổ chức tại New York, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước nhất trí rằng, phải giải quyết các bất ổn và xung đột có thể dẫn đến khủng bố ngay từ đầu, cũng như ngăn chặn các điều kiện mà những kẻ khủng bố lợi dụng để mở rộng. Bên cạnh đó, trong cuộc chiến trên quy mô toàn cầu này, cần có sự tham gia của các thành phần xã hội với cam kết chính trị bền vững giữa các cơ quan chính phủ và quan hệ đối tác với xã hội dân sự, khu vực tư nhân. Nguồn lực và sự hợp tác chặt chẽ trên nền tảng đa quốc gia cũng là một phương thức hiệu quả giúp tiêu trừ chủ nghĩa khủng bố đang có nguy cơ lan rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.