Thế giới

Cuộc chiến chống khủng bố: Cần đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu

Quỳnh Dương 17/03/2024 - 07:26

Số liệu, thông tin về các cuộc tấn công và số dân thường thiệt mạng thời gian gần đây cho thấy, hoạt động của các nhóm cực đoan đang là xu hướng đáng lo ngại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định ở nhiều quốc gia tại châu Phi, Nam Á và có nguy cơ đe dọa toàn cầu. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có sự đồng lòng giải quyết những thách thức đến từ các nhóm khủng bố.

cac-cuoc-tan-cong-khung-bo-.jpg
Các cuộc tấn công khủng bố tăng mạnh tại vùng Sahel trong thời gian gần đây.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi (ACSS), số người chết liên quan đến khủng bố ở khu vực này đã tăng 20%, từ 19.412 người vào năm 2022 lên 23.322 người vào năm 2023. Burkina Faso, Mali, Niger và Somalia là những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất liên quan đến các tổ chức khủng bố al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… 99% số ca tử vong tại 4 quốc gia này liên quan đến các cuộc tấn công của những nhóm cực đoan.

Báo cáo nêu bật thách thức an ninh của Lục địa Đen gồm xung đột vũ trang, nghèo đói, tội phạm có tổ chức, trong đó có buôn bán ma túy…, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự mở rộng địa bàn hoạt động của các nhóm khủng bố. Vùng Sahel (gồm Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea) là minh chứng rõ ràng cho nhận định này khi số vụ bắt cóc đòi tiền chuộc và cướp bóc tăng đáng kể.

Không chỉ gây thiệt hại về người, hoạt động khủng bố còn khiến nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Bất ổn an ninh khiến các nhà đầu tư rút khỏi địa bàn, hoạt động kinh tế địa phương bị cản trở. Ước tính, các quốc gia vùng Sahel thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đây là một vòng luẩn quẩn gây phẫn nộ trong dân chúng, càng tạo cơ hội cho chủ nghĩa cực đoan lên ngôi.

Phó Tổng Thư ký phụ trách chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov cho biết, IS đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia Tây Phi chìm trong bất ổn chính trị. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi các tranh chấp quyền lực, sắc tộc không có hướng giải quyết hiệu quả. Khoảng trống an ninh tạo điều kiện cho các chi nhánh của IS tiếp tục mở rộng với quy mô ngày càng lớn hơn, manh động hơn. Ông Vladimir Voronkov cảnh báo, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, có nguy cơ sẽ tạo thành một khu vực bất ổn kéo dài từ Mali đến biên giới Nigeria.

Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc Natalia Gherman cho biết: "Châu Phi hiện chiếm gần một nửa số vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới. Các tổ chức khủng bố đang lợi dụng bất ổn chính trị để mở rộng bán kính ảnh hưởng, hoạt động và kiểm soát lãnh thổ ở vùng Sahel cùng vùng duyên hải Tây Phi".

Trong khi đó, những thách thức từ các nhóm khủng bố vẫn tồn tại ở Trung Đông, Đông Nam Á và Trung Á. Có những dấu hiệu cho thấy IS đang cố gắng trỗi dậy sau thất bại ở Iraq năm 2017 và Syria năm 2019. Số liệu thống kê được cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc cung cấp cho thấy, IS vẫn còn khoảng 3.000 đến 5.000 máy bay chiến đấu. Ở Iraq, chúng đang thực hiện một cuộc nổi dậy cường độ thấp với các nhóm khủng bố bí mật. Còn ở Syria, các cuộc tấn công đã gia tăng kể từ tháng 11-2023.

Tại Nam Á, Afghanistan và Pakistan vẫn nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố. Ở Afghanistan, chi nhánh Khorasan của IS và Mặt trận Kháng chiến quốc gia (NRF) đều được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng. Ở Pakistan, số người thiệt mạng do khủng bố tăng 120% so với năm trước.

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Ủy ban chống khủng bố Liên hợp quốc là hợp tác với 193 quốc gia thành viên để ngăn chặn áp dụng công nghệ mới cho mục đích khủng bố. Có những bằng chứng cho thấy, thời gian gần đây, IS đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo và tấn công. Liên hợp quốc cũng phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) để xác định và ngăn chặn việc khai thác nhằm mục đích khủng bố từ dịch vụ mã hóa, công cụ phân phối hình ảnh và nền tảng tuyên truyền mới.

Mới đây, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết với 2 mục tiêu chính là đồng thời bảo đảm Chiến lược chống khủng bố toàn cầu luôn thích ứng, phù hợp và công nhận trách nhiệm cơ bản của các nước thành viên trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch chống khủng bố.

Tuy nhiên, đúng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Mặc dù thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn bén rễ, phát triển. Do vậy, các quốc gia cần đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống khủng bố: Cần đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.