(HNM) - Năm 2017 đang dần khép lại, với khẩu hiệu
Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua là một điểm sáng của kinh tế Mỹ năm 2017. |
Về đối nội, dưới sự chèo lái của Tổng thống D.Trump, bức tranh kinh tế Mỹ trong năm 2017 đã có những bước phát triển tích cực. Sau bước khởi đầu chậm chạp với mức tăng trưởng GDP 1,2% trong quý I, kinh tế Mỹ đã tăng tốc nhanh chóng và đạt mức tăng trưởng GDP 3,1% trong quý II và 3,3% trong quý III, bất chấp các trận bão lớn tàn phá nhiều vùng ở bang Texas và Florida. Đây là một chiến thắng lớn dành cho Tổng thống D.Trump, bởi rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra khi nhậm chức là phi thực tế.
Bên cạnh đó, thị trường lao động tiếp tục là điểm nhấn. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,1% trong tháng 11, thấp nhất trong 17 năm qua. Lạm phát ở quanh mức 2%. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 3 đợt tăng lãi suất cơ bản lên mức 1,25%-1,5%, cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này đối với triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Một chiến thắng chính trị lớn mà ông D.Trump vừa đạt được khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật cấp ngân sách tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD với tỷ lệ phiếu sát nút là 216 phiếu thuận - 212 phiếu chống. Sự kiện này mở đường cho chính quyền Tổng thống D.Trump sớm triển khai gói cải cách thuế “quy mô nhất trong lịch sử”. Và nếu chính thức được phê chuẩn thì cải cách này sẽ được coi là một thay đổi mang tính cách mạng, là thành tựu lớn đầu tiên về lập pháp của ông D.Trump kể từ khi cầm quyền.
Trên chính trường thế giới, Tổng thống D.Trump trong năm đầu nhiệm kỳ đã thực hiện đúng những cam kết tranh cử với hàng loạt điều chỉnh theo hướng giảm bớt các cam kết đa phương, giảm mức đóng góp cho các tổ chức quốc tế, thay vào đó là chú trọng các mối quan hệ song phương.
Chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông D.Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đầu tiên, chính thức rút nước này ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nối tiếp TPP, Washington còn rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đồng thời chấm dứt tham gia Thỏa thuận toàn cầu về nhập cư, khiến những đồng minh thân cận của Mỹ phải thất vọng.
Đặc biệt, Tổng thống D.Trump đã có "nước cờ" mạo hiểm khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này. Động thái ủng hộ ra mặt đối với đồng minh chiến lược Israel không chỉ khiến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và Washington bị cô lập tại các diễn đàn đa phương, mà còn hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông, tạo nguy cơ tái bùng phát bạo lực tại khu vực này.
Dự báo về những thách thức của nước Mỹ trong năm 2018, các nhà phân tích nhận định, ông D.Trump sẽ gặp trở ngại trong điều hành đất nước, đó là tiến trình thành lập nội các mới diễn ra chậm chạp, nhiều xáo trộn về nhân sự khi hàng loạt vị trí cấp cao ở Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia, Cục Điều tra Liên bang (FBI)... bị điều chuyển hoặc thay thế. Ngoài ra, năm 2018 sẽ khó khăn với Tổng thống D.Trump khi Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, sự kiện này vốn được coi là “không thuận lợi” cho các tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Có thể nói, năm qua, dù một số quyết sách của ông D.Trump gây dư luận trái chiều, nhưng không thể phủ nhận chúng đã có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân nước Mỹ và tác động không nhỏ đến đời sống chính trị thế giới. Và năm 2018, nước Mỹ được cho là sẽ còn nhiều bất ngờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.